Tỷ lệ người cần chăm sóc sức khoẻ tâm thần đang tăng nhanh và trẻ hoá

Đó là thông tin đáng chú ý tại hội nghị “Nâng cao năng lực công tác Bảo vệ sức khoẻ tâm thần cho cộng đồng” khu vực phía Nam năm 2023, được tổ chức sáng ngày 6/10, tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Đây là sự kiện nhằm kỷ niệm Ngày Sức khoẻ tâm thần thế giới 10/10. Tham dự hội nghị có đại diện của 33 bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phía Nam.
10:06 | 07/10/2023

Tại hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm thần (CSSKTT) trong mô hình tháp của Tổ chức Y tế thế giới; báo cáo kết quả tham dự hội nghị tâm thần quốc tế thường niên tại Thái Lan năm 2023; báo cáo mạng lưới và hoạt động CSSKTT cộng đồng năm 2023 tại một số địa phương như TP. HCM, Đồng Tháp, Vĩnh Long và các vấn đề liên quan đến CSSKTT khác.

Toàn cảnh hội nghị “Nâng cao năng lực công tác Bảo vệ sức khoẻ tâm thần cho cộng đồng” khu vực phía Nam năm 2023

Toàn cảnh hội nghị “Nâng cao năng lực công tác Bảo vệ sức khoẻ tâm thần cho cộng đồng” khu vực phía Nam năm 2023

Theo đó, thông tin đáng chú ý là tỷ lệ người cần CSSKTT đang ngày một tăng nhanh và có xu hướng trẻ hoá. Tại Việt Nam, 14,9% dân số (khoảng 15 triệu người) bị mắc các rối loạn về tâm thần. Trong đó, tỷ lệ bị trầm cảm, lo âu chiếm tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như tâm thần phân liệt, động kinh, chậm phát triển tâm thần, mất trí tuổi già, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, lạm dụng rượu,… Ở trẻ em, khoảng 12% (tương đương hơn 3 triệu trẻ em) có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Theo BS Đặng Khánh Hiệp – Phòng Chỉ Đạo tuyến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, tỷ lệ thanh thiếu niên bị trầm cảm lo âu tăng là do cảm thấy mối quan hệ gia đình lỏng lẻo, ba mẹ ít có thời gian chia sẻ cùng con cái. Do đó, tăng cường thời gian dành cho gia đình là trọng tâm trong can thiệp tâm lý xã hội cho thanh thiếu niên bị trầm cảm.

TS Nguyễn Hữu Thắng – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 phát biểu tại hội nghị

TS Nguyễn Hữu Thắng – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 phát biểu tại hội nghị

TS Nguyễn Hữu Thắng – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 nhấn mạnh, với nhịp sống hiện đại nhiều áp lực ngày nay, thế giới phải đối diện với những bệnh không lây nhiễm hết sức đáng lo ngại, đặc biệt là các rối loạn tâm thần. Trên thế giới, có khoảng 20% tỷ lệ người cần chăm sóc sức khoẻ tâm thần, sau đại dịch COVID-19, con số này đang ngày một tăng nhanh. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trên toàn quốc, bệnh trầm cảm tăng 28% và lo âu tăng 26%.

Vấn đề nhận biết, phát hiện sớm, xử trí kịp thời các rối loạn tâm thần và sự phối hợp giữa các tuyến trong mạng lưới chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại Việt Nam hiện cũng còn nhiều vấn đề đặt ra. Cả nước có khoảng 1.000 bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhưng tập trung chủ yếu ở trung ương và các thành phố lớn. Bên cạnh đó, nhiều người bị rối loạn tâm thần không tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề về tâm thần. Hiện chỉ có khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ hơn 30% số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức. Đây cũng là thách thức lớn đòi hỏi toàn cộng đồng cần quan tâm hơn về vấn đề CSSKTT.

Thiên Thanh – Hoàn Lê

 
comment Bình luận