Những đối tượng nào cần chỉ định nạo V.A?

V.A (Vegetations Adenoides) là một tổ chức lympho nằm ở vòm họng, ngay phía sau mũi. Đây là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp cơ thể ngăn chặn vi khuẩn và virus xâm nhập qua đường hô hấp. Ở trẻ nhỏ, V.A đóng vai trò như một “lá chắn miễn dịch” quan trọng, tuy nhiên cũng rất dễ bị viêm nhiễm do hoạt động mạnh mẽ trong giai đoạn hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
14:42 | 25/05/2025

Theo BS.CKI Huỳnh Thế Huy – Khoa Liên Chuyên Khoa (Tai Mũi Họng), Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, khi V.A bị viêm, trẻ thường có biểu hiện nghẹt mũi, chảy mũi kéo dài, ho dai dẳng, ngủ ngáy, thở bằng miệng và có thể bị viêm tai giữa tái phát. Nếu tình trạng này kéo dài và không được điều trị đúng cách, viêm V.A mạn tính có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ cũng như chất lượng giấc ngủ của trẻ.

Phẫu thuật nạo V.A thường được chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên trong các trường hợp như viêm V.A tái phát nhiều lần trong năm (từ 5 lần trở lên), viêm V.A kèm biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản tái phát, hoặc V.A quá phát gây bít tắc cửa mũi sau khiến trẻ nghẹt mũi kéo dài, ngủ ngáy, thở bằng miệng.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, các bác sĩ vừa phẫu thuật nội soi nạo V.A thành công cho bé D.T.L. (8 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh), giúp bé chấm dứt tình trạng nghẹt mũi và ngủ ngáy kéo dài.

Ekip phẫu thuật nạo V.A bằng kỹ thuật nội soi (Ảnh: BVCC)

Ekip phẫu thuật nạo V.A bằng kỹ thuật nội soi (Ảnh: BVCC)

Ba năm trước, bé L. thường xuyên nghẹt mũi, chảy dịch mũi. Khi được đưa đến bệnh viện thăm khám, bé được chẩn đoán viêm V.A và V.A quá phát độ 2. Bé được điều trị nội khoa bằng thuốc uống, xịt và rửa mũi, tình trạng có cải thiện nhưng vẫn tái phát từng đợt. Gần đây, các triệu chứng nặng hơn, bé phải thở bằng miệng, ăn uống kém, ngủ không sâu giấc, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập. Gia đình đã đưa bé tái khám tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.

Qua thăm khám và nội soi, bác sĩ ghi nhận khối V.A đã quá phát đến độ 4, chèn ép hơn 75% cửa mũi sau. Đây là nguyên nhân khiến bé xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như trên. Để ngăn chặn biến chứng, bác sĩ chỉ định phẫu thuật nạo V.A bằng kỹ thuật nội soi hiện đại.

Phẫu thuật được thực hiện bằng thiết bị microdebrider hoặc coblator – những công cụ hiện đại cho phép loại bỏ chính xác phần mô V.A quá phát, đồng thời hạn chế chảy máu và bảo vệ các cấu trúc quan trọng xung quanh. Ca mổ diễn ra nhanh chóng, chỉ trong vòng 30 - 60 phút. Chỉ sau hai ngày hậu phẫu, tình trạng sức khỏe của bé L. cải thiện rõ rệt đến 80%, không còn nghẹt mũi, hết ngủ ngáy, ăn uống và sinh hoạt bình thường trở lại.

BS Huy khuyến cáo, nhiều phụ huynh thường chủ quan khi thấy trẻ chỉ nghẹt mũi hoặc ngủ ngáy, nhưng đây có thể là dấu hiệu của viêm V.A mạn tính hoặc V.A quá phát. Việc thăm khám sớm và điều trị đúng hướng sẽ giúp trẻ phòng tránh được những biến chứng nghiêm trọng về sau, đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện.

Cao Ánh

comment Bình luận