Ngán ngẩm căng tin trong bệnh viện

Nhiều căng tin trong bệnh viện ở TP.HCM “ngó lơ” các quy định an toàn thực phẩm khiến bệnh nhân và người nhà ngán ngẩm, lắc đầu.
11:33 | 26/11/2024

Trong những ngày đầu tháng 10/2024, từ phản ánh của bệnh nhân và người nhà liên quan đến một số căng tin trong bệnh viện ở TP. HCM không đảm đảo các điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) khi bán thức ăn, thức uống, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu.

Thấy làm không dám ăn

Nhân viên căng tin Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2 không mang khẩu trang, dĩa thức ăn để gần miệng và liên tục nói chuyện

Nhân viên căng tin Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2 không mang khẩu trang, dĩa thức ăn để gần miệng và liên tục nói chuyện

Tại căng tin Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cơ sở 2, phóng viên (PV) gọi một đĩa bún xào, người phụ nữ nhanh chóng cho thức ăn vào đĩa. Tuy nhiên, người này không đeo khẩu trang nhưng lại để đĩa bún gần miệng và liên tục nói chuyện.

Cạnh đó, một người phụ nữ không đeo khẩu trang và găng tay vô tư cắt thịt đã luộc chín. Người này cũng liên tục nói chuyện.

Một người đàn ông ngoài 40 tuổi nói nhỏ với PV: “Tôi định ăn hủ tiếu nhưng thấy những người bán không đeo khẩu trang, cũng không mang găng tay lại luôn nói chuyện nên thôi. Tôi đang mang bệnh trong người, cơ địa yếu, sử dụng thức ăn không đảm bảo ATTP có nguy cơ thêm bệnh”.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị những người lao phổi nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Do đó căng tin phải thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện ATTP để đảm bảo sức khỏe người bệnh và cả thân nhân. Thế nhưng tại quầy bán bánh mì, một người phụ nữ mặc áo vàng không mang khẩu trang, dùng tay trần làm bánh mì cho khách.

Người bán bánh mì tại căng tin Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch “nói không” với khẩu trang và găng tay

Người bán bánh mì tại căng tin Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch “nói không” với khẩu trang và găng tay

Cách đó không xa, người phụ nữ bán nước cho khách cũng không khẩu trang và găng tay, thản nhiên múc đá bỏ vô hộp nhựa.

Một người phụ nữ tầm 40 tuổi nói với PV: “Tôi thà nhịn đói, nhịn khát chứ không dám mua thức ăn, thức uống bán trong căng tin Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch vì sợ lây bệnh”.

Tại căn tin Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, PV ghi nhận một thanh niên đang làm sẵn những hộp xôi để bán cho khách. Tuy nhiên người này không mang khẩu trang. Cách đó không xa, một phụ nữ “nói không” với khẩu trang, dùng tay trần bóc từng múi bưởi cho vào hộp để bán.

“Tôi nói thật, thức ăn, thức uống bán trong căng tin bệnh viện thua xa bên ngoài vì không đảm bảo ATTP. Ở ngoài, người bán còn biết đeo khẩu trang, mang găng tay. Còn trong căng tin bệnh viện thì không” – người đàn ông chia sẻ.

Dùng mũi “kiểm tra” thực phẩm

Tại căng tin Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người bán không đeo khẩu trang, chẳng mang găng tay vô tư bóc từng múi bưởi

Tại căng tin Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người bán không đeo khẩu trang, chẳng mang găng tay vô tư bóc từng múi bưởi

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 rất đông phụ huynh đưa con đi khám. Do phải chờ đợi nên không ít bệnh nhi đói bụng, khát nước.

Nghe con trai 8 tuổi than đói bụng, muốn ăn bánh mì trứng nên chị T.T.N.G, 36 tuổi tới căng tin để mua. Tuy nhiên khi thấy người phụ nữ khẩu trang đeo dưới cằm vô tư cầm bánh mì, người thanh niên chiên trứng nhưng không đeo khẩu trang, chẳng mang găng tay thì chị G “dội ngược”.

“Trẻ nhỏ do cơ địa yếu nên dễ nhạy cảm với thực phẩm không đảm bảo ATTP. Do thấy người bán bánh mì không đeo khẩu trang, chẳng mang găng tay nên tôi không mua và chuyển qua mua bánh mì ngọt có bao bì của một doanh nghiệp uy tín” – chị G nói.

Nhân viên bán nước tại căng tin Bệnh viện Nhi đồng 1 không mang găng tay, đeo khẩu trang dưới căm

Nhân viên bán nước tại căng tin Bệnh viện Nhi đồng 1 không mang găng tay, đeo khẩu trang dưới căm

Cũng tại căng tin Bệnh viện Nhi đồng 1, do thấy 2 nhân viên bán thức uống đeo khẩu trang dưới cằm và nói chuyện rôm rả nên anh T.C.T, 34 tuổi không dám mua nước uống cho con gái 6 tuổi.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, chị V.T.T.M, 32 tuổi tới căng tin mua cam vắt sau khi khám thai. Tuy nhiên khi thấy khá nhiều người bán không đeo khẩu trang và găng tay, chị M lắc đầu và lấy chai nước khoáng mang theo ra uống.

“Phụ nữ mang thai cần được ăn uống sạch sẽ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con. Lẽ ra nhân viên căng tin Bệnh viện Hùng Vương phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định ATTP nhưng đằng này lại “ngó lơ”. Không biết lãnh đạo bệnh viện có biết chuyện này không” – chị M thở dài.

Tình trạng nhân viên căng tin không đeo khẩu trang, chẳng mang găng tay vô tư bán thức ăn, thức uống cho thai phụ và người nhà cũng xảy ra tại Bệnh viện Từ Dũ.

Chưa hết, một người nhân viên nữ dùng mũi ngửi để “kiểm tra” cam còn dùng được hay không. Thấy cảnh này, chị T.T.H.T, 32 tuổi lắc đầu và nói: “Ớn quá, thấy họ làm không dám mua nước uống. Thai phụ như tôi uống phải nước cam kém chất lượng thì không tốt”.

Nhiều bệnh viện nhận sai

“Nói không” với khẩu trang và găng tay được khá nhiều nhân viên căng tin Bệnh viện Hùng Vương áp dụng

“Nói không” với khẩu trang và găng tay được khá nhiều nhân viên căng tin Bệnh viện Hùng Vương áp dụng

Trao đổi với phóng viên, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết nơi đây đã tổ chức buổi họp bao gồm đại diện Ban giám đốc, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn và một số khoa, phòng khác có liên quan cùng các đơn vị dịch vụ có hoạt động chế biến và cung cấp thực phẩm, kể cả đơn vị bị phóng viên phản ánh và các đơn vị khác cùng lĩnh vực đang hoạt động trong khuôn viên bệnh viện.

Bệnh viện đã yêu cầu giải trình và cam kết thực hiện khắc phục để đảm bảo an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 trực tiếp phân công bộ phận thực hiện giám sát.

Liên quan tới căng tin trong khuôn viên Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2, phía bệnh viện cho biết căng tin nói trên không thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 2 quản lý mà thuộc thẩm quyền của khoa Điều dưỡng- Kỹ thuật Y học.

Bệnh viện cho biết đã chuyển thông tin phản ánh của phóng viên đến khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học để xác minh và làm việc với căng tin. Bệnh viện cũng đã nhận được phản hồi từ khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học như sau: “Đại diện căng tin cam kết sẽ khắc phục những thiếu sót và đảm bảo vệ sinh ATTP trong chế biến và phục vụ. Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học đã yêu cầu căng tin cam kết, nghiêm túc chấn chỉnh khắc phục ngay những thông tin mà phóng viên phản ánh, Bên cạnh đó, khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học cũng sẽ quản lý và giám sát chặt chẽ hơn”.

Nhân viên căng tin Bệnh viện Từ Dũ dùng mũi ngửi để “kiểm tra” chất lượng cam

Nhân viên căng tin Bệnh viện Từ Dũ dùng mũi ngửi để “kiểm tra” chất lượng cam

Liên quan tới căng tin tại Bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện cho biết sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của phóng viên, Ban giám đốc, Ban quản lý căng tin cùng khoa Dinh dưỡng của bệnh viện đã họp nội bộ tìm hiểu sự việc, tiến hành các biện pháp xử lý và thực hiện các giải pháp cải tiến.

Bệnh viện đã thông tin sự việc đến toàn thể nhân viên khoa Dinh dưỡng để nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh. Bệnh viện cũng trừ điểm cá nhân có liên quan sai phạm, lập biên bản ghi nhận nhân viên vệ sinh của công ty làm sạch vi phạm quy định về trang phục làm việc. Bệnh viện cũng đề xuất bổ sung hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc khi vi phạm lần 3 quy chế trang phục của căng tin.

Điểm d, khoản 1, Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP nêu rõ: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Một bác sĩ chuyên ngành dinh dưỡng cho biết người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín không đeo khẩu trang, không mang găng tay dễ có nguy cơ làm thực phẩm mất an toàn. Bên cạnh đó, do người bệnh không được khỏe, nếu sử dụng thực phẩm mất an toàn  sẽ khiến cơ thể thêm suy yếu.

Nhóm phóng viên

comment Bình luận