Cần Thơ: Tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh, thức ăn đường phố

Vừa qua, Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh, thức ăn đường phố phường Tân An và phường An Cư thuộc quận Ninh Kiều năm 2024.
10:57 | 30/10/2024

Tại lớp tập huấn, đại diện các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được khoa an toàn thực phẩm và y tế công cộng thuộc Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều trực tiếp truyền đạt những kiến thức về an toàn thực phẩm như:

Địa điểm: Nơi kinh doanh thức ăn đường phố phải tách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

Trang thiết bị dụng cụ: Đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay. Đồ dùng cho ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn phải bảo đảm vệ sinh và đủ về số lượng. Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được trưng bày trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60 cm. Khi bán rong dụng cụ chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống phải hợp vệ sinh, chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại. Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh. Nước thải phải được thu gom và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nơi kinh doanh. Phải có dụng cụ thu gom rác và đồ phế thải bảo đảm vệ sinh.

Toàn cảnh lớp tập huấn (Ảnh: Văn Toàn)

Toàn cảnh lớp tập huấn (Ảnh: Văn Toàn)

Nước và nguyên liệu: Nước dùng để nấu thức ăn và làm nước đá sạch phải đủ, vệ sinh và phù hợp với quy định. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm cần có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và bảo đảm an toàn theo quy định.

Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định. Khám sức khỏe và có giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe theo quy định. Mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng. Dùng găng tay sử dụng 1 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn hoặc sử dụng kẹp gắp thức ăn, đồ uống ăn ngay.

Không tham gia kinh doanh thức ăn đường phố khi đang mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh ngoài da thuộc danh mục do Bộ Y tế quy định.

Ngoài ra, báo cáo viên còn đề cập đến một số quy định pháp luật liên quan đến sản xuất, chế biến thực phẩm, phụ gia thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm và phân tích chất lượng, tờ khai đăng ký nhãn hiệu. Bên cạnh đó, các học viên được hướng dẫn đầy đủ về quy trình lập hồ sơ, thủ tục để cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Thông qua lớp tập huấn giúp các cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh; góp phần làm giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, có cách phòng ngừa và khắc phục hợp lý cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Văn Toàn

comment Bình luận