Em bé bị dây rốn thắt nút chào đời an toàn

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long vừa phẫu thuật cấp cứu thành công một trường hợp thai nhi bị dây rốn thắt nút – tình huống hiếm gặp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng thai nhi.
16:46 | 17/04/2025

Sản phụ N.T.T.L. (28 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long), mang thai ở tuần thứ 36 + 5, nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ, chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Qua thăm khám và siêu âm, các bác sĩ ghi nhận tim thai có biểu hiện bất thường: nhịp nhanh kèm theo các cơn giảm nhịp muộn – dấu hiệu của tình trạng suy thai cấp. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu.

Ca phẫu thuật diễn ra trong vòng hơn 30 phút. Bé sơ sinh nặng 3.200 gram được đón chào đời an toàn bằng phương pháp sinh mổ. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện dây rốn của bé bị thắt nút – yếu tố được xác định là nguyên nhân gây suy thai.

Em bé bị dây rốn thắt nút chào đời an toàn (Ảnh: BVCC)

Em bé bị dây rốn thắt nút chào đời an toàn (Ảnh: BVCC)

Theo bác sĩ CKI Trần Văn Hùng, Trưởng khoa Sản – Phụ khoa, dây rốn là sợi dây nối liền sự sống giữa mẹ và con. Tuy nhiên, khi dây bị thắt nút, quá trình cung cấp oxy và dưỡng chất cho thai nhi có thể bị gián đoạn, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng thai. Tỷ lệ dây rốn thắt nút rơi vào khoảng 0,3 – 2% các ca sinh, trong đó nguy cơ tử vong cao gấp 4 lần so với thai kỳ bình thường. Phần lớn các trường hợp được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Việc phát hiện dây rốn thắt nút trong thai kỳ là điều rất khó vì không phải lúc nào vị trí thắt nút cũng có thể quan sát được qua siêu âm. Dây có thể thắt từ rất sớm – giai đoạn thai 9 đến 12 tuần, khi thai còn nhỏ và lượng nước ối dồi dào. Khi thai lớn hơn, dây rốn dài hơn và không gian trong tử cung chật hơn, việc nhận biết càng trở nên khó khăn hơn.

Nguyên nhân gây thắt nút dây rốn được xác định là do cử động của thai nhi vô tình tạo nên các vòng xoắn dẫn đến nút thắt. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gồm: dây rốn dài bất thường, đa ối, thai nhỏ, tiểu đường thai kỳ, mang song thai một túi ối, có tiền sử chọc dò ối, đã từng sinh nhiều lần hoặc sử dụng chất kích thích khi mang thai.

Khi đã xác định có nút thắt, không có phương pháp nào tháo được nút này, việc xử trí chủ yếu tập trung vào đảm bảo an toàn tối đa cho thai nhi. Phẫu thuật mổ lấy thai là biện pháp được áp dụng càng sớm càng tốt để phòng ngừa biến chứng suy thai.

Bác sĩ thăm khám lại cho thai phụ và em bé trước khi xuất viện (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ thăm khám lại cho thai phụ và em bé trước khi xuất viện (Ảnh: BVCC)

Trường hợp dây rốn thắt nút xảy ra trong quá trình chuyển dạ, thai nhi cần được theo dõi sát bằng máy monitor để kịp thời phát hiện nhịp tim bất thường. Theo bác sĩ Hùng, theo dõi cử động thai là yếu tố then chốt trong phát hiện sớm và xử trí kịp thời dây rốn thắt nút. Thai phụ nên đến bệnh viện khi cảm nhận thai cử động yếu, ít hoặc bất thường, bụng không đều, không tròn.

Từ tuần thai thứ 36, việc theo dõi tim thai bằng máy monitor là cần thiết để phát hiện các bất thường, đặc biệt trong giai đoạn chuyển dạ. Tuân thủ đúng lịch khám thai định kỳ đóng vai trò quan trọng trong phát hiện sớm các nguy cơ. Trong một số trường hợp may mắn, sản phụ nhận thấy dấu hiệu bất thường và được can thiệp kịp thời, giúp em bé chào đời khỏe mạnh.

Hiện chưa có cách điều trị hay phòng ngừa hiệu quả tình trạng dây rốn thắt nút. Do đó, việc theo dõi cử động thai và khám thai định kỳ là chìa khóa để hạn chế tối đa các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, đặc biệt là trong những tuần cuối thai kỳ.

Cao Ánh

comment Bình luận