Chú trọng chăm sóc sức khoẻ cho người già và trẻ em vào thời điểm nắng nóng
Tại khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những ngày gần đây, có ngày khoa tiếp nhận hơn 600 lượt bệnh nhân, trong đó có khoảng 100 bệnh nhân phải nhập viện điều trị trong tình trạng say nắng, mất nước, rối loạn điện giải, sốc nhiệt, ngộ độc thực phẩm, nặng hơn là các trường hợp bị đột quỵ.
Theo bác sĩ Y Sa Muel Bkrông - khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, người già là đối tượng có sức đề kháng kém, dễ xảy ra các vấn đề về sức khỏe do thời tiết nắng nóng. Bởi thời tiết nắng nóng sẽ vô cùng nguy hiểm với người cao tuổi bị các bệnh lý mãn tính về tim mạch, hô hấp. Nguy cơ bị tai biến khi thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa ngoài trời và trong phòng điều hòa là rất cao. Ngoài ra, do nắng nóng, ở trong phòng điều hòa nhiều dễ dẫn đến khô đường hô hấp, viêm phổi. Đặc biệt là những người bị phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc bị hen thì sẽ có nguy cơ bị đợt cấp, nếu lên cơn ác tính sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Có một thói quen xấu với người cao tuổi nói chung, người dân nói riêng khi trời nắng nóng đó là sử dụng nước ngọt, nước có gas để giải nhiệt. Điều này sẽ rất có hại cho sức khỏe nói chung, nhất là đối với bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài ra, nhiệt độ tăng đột ngột gây ra sự chênh lệch nhiệt độ giữa cơ thể và môi trường khiến cho cơ thể dễ bị sốc nhiệt. Nắng nóng còn khiến cho tình trạng bệnh của bệnh nhân có thể nặng thêm, dẫn đến nhập viện nếu có các bệnh lý nền, mạn tính, như: tim mạch, cao huyết áp…Bởi nắng nóng khiến người cao tuổi dễ ra mồ hôi, nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch, như tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt…hoặc cũng có thể gây nên đột quỵ.
Đối với trẻ nhỏ, nắng nóng rất dễ mắc bệnh tiêu chảy hoặc ngộ độc thức ăn. Nguyên nhân là thời tiết nắng nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy. Mặt khác, trẻ nhỏ khi khát nước thường uống nước ngọt hoặc những loại nước bán vỉa hè, không đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, trẻ dễ bị nhiễm siêu vi dẫn đến việc trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn… Một số bệnh lý khác khiến trẻ dễ mắc phải là viêm não Nhật Bản, viêm màng não, thuỷ đậu, tay chân miệng… đây là những bệnh thường xuất hiện vào mùa hè hoặc thời tiết nắng nóng. Có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng, gây nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Y Sa Muel Bkrông khuyến cáo, trong thời điểm nhiệt độ tăng cao, nắng nóng như hiện nay, người dân, nhất là người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang chống nóng. Cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp vào người.
Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Đối với người già, khi xuất hiện các triệu chứng cần được khám, điều trị theo phác đồ bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc. Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Đối với trẻ em, phụ huynh cần tuân thủ lịch tiêm chủng, đặc biệt đối với những bệnh có vắc xin tiêm ngừa, phụ huynh cần chú ý cho trẻ tiêm theo lịch, đúng chỉ định để tăng cường khả năng phòng bệnh. Ngoài các biện pháp phòng bệnh cơ bản, cha mẹ nên chú ý nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua tăng cường dinh dưỡng, có chế độ sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Khi trẻ bệnh cần đưa đi thăm khám ở bác sĩ chuyên khoa, tránh tự điều trị theo kinh nghiệm của người lớn sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể chất của trẻ.
Mỹ Hạnh
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Gia Lai phát động tháng hành động vì bình đẳng giới
Vừa qua, tại TP. Pleiku, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024.November 21 at 8:52 am -
400 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ sinh viên tại giải golf Trường Đại học Luật TP.HCM
Ngày 19/11, giải golf mở rộng lần I năm 2024 của Trường Đại học Luật TP.HCM diễn ra nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự kiện quy tụ 144 golfer, bao gồm các cựu giảng viên, cựu sinh viên và doanh nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau.November 20 at 1:03 pm -
Ninh Thuận: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Sáng 18/11, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì lễ phát động.November 19 at 4:05 pm -
Bình Thuận: Phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Sáng 18/11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ phát động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.November 19 at 8:38 am