Bức tranh bất động sản 'tươi sáng' khi các văn bản pháp luật mới có hiệu lực

Nhiều năm qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn đang gặp những khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, nhưng với những sự thay đổi trong các văn bản pháp luật trụ cột của ngành gần đây, bức tranh bất động sản đang dần có tín hiệu khả quan hơn cho doanh nghiệp.
11:17 | 19/07/2024

Ngày 18/7, tại tỉnh Khánh Hoà, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường Đại học Luật TP.HCM (ULAW), Hội Luật gia tỉnh Khánh Hoà, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hoà, Văn phòng Đại diện - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Khánh Hoà (VCCI tại Khánh Hòa) tổ chức hội thảo “Tranh chấp bất động sản trong bối cảnh khung khổ pháp lý mới”. Đây là sự kiện đầu tiên thuộc nhóm sự kiện triển khai tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, thuộc khuôn khổ Chuỗi sự kiện về Quản trị Pháp lý Doanh nghiệp 2024 - Legal Management Series 2024 (LMS 2024).

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hoà phát biểu tại hội thảo (Ảnh: ULAW)

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hoà phát biểu tại hội thảo (Ảnh: ULAW)

Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hoà nhận định, với sự ban hành và chuẩn bị có hiệu lực của loại văn bản pháp luật quan trọng gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2024 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, doanh nghiệp đã tìm thấy nhiều cơ hội mới và cũng tháo gỡ được nhiều nút thắt trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Từ đó, kiến tạo để thị trường bất động sản tại Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hoà nói riêng dần phục hồi và có được những kết quả mới.

Theo bà Trang, vấn đề pháp lý đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển vững mạnh của thị trường bất động sản. “Do đó, doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng khi áp dụng pháp luật, đặc biệt là đối với các quy định mới”, bà Trang nhấn mạnh.

TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại hội thảo (Ảnh: ULAW)

TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại hội thảo (Ảnh: ULAW)

Tại hội thảo, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết, mặc dù trong nhiều năm qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý, nhưng với những sự thay đổi trong các văn bản pháp luật trụ cột của ngành gần đây, bức tranh bất động sản đang dần có tín hiệu khả quan hơn cho doanh nghiệp.

Theo ông Sơn, những quy định mới cần được phổ biến, hướng dẫn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và áp dụng một cách đúng đắn, đảm bảo công bằng và hiệu quả trong quá trình thực thi.

“Hội thảo “Tranh chấp bất động sản trong bối cảnh khung khổ pháp lý mới” là hoạt động thể hiện tinh thần đóng góp cho xã hội, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc phổ biến pháp luật, đưa đến nhiều giải pháp quản trị pháp lý hiệu quả đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Vũ Ánh Dương - Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá, với những thay đổi tích cực trong Luật Đất đai 2024, trong đó có các quy định liên quan đến mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại trọng tài, hoà giải là sự ghi nhận rất phù hợp với bối cảnh phát triển không ngừng của các phương thức giải quyết tranh chấp.

Ông Vũ Ánh Dương - Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: ULAW)

Ông Vũ Ánh Dương - Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại hội thảo (Ảnh: ULAW)

Ông Dương cho biết, thống kê của VIAC, số lượng vụ tranh chấp có liên quan tới yếu tố đất đai có chiều hướng gia tăng đột biến (chiếm tới 26.18% trên tổng số vụ tranh chấp được thụ lý tại VIAC trong năm 2023). “Như vậy, với sự mở rộng này, doanh nghiệp đã có sự an tâm hơn khi lựa chọn giải quyết tranh chấp tại trọng tài, hoà giải, tận dụng triệt để những ưu thế nổi bật của các phương thức này”, ông Dương nhận định.

Cũng tại chương trình, Trường Đại học Luật TP.HCM và Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hoà đã ký kết thỏa thuận hợp tác, với mong muốn hướng đến triển khai định kỳ các hoạt động có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong việc tổ chức nhiều hoạt động hướng đến luật sư trong thời gian tới.

Liên quan đến hoạt động đầu tư, TS. Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa nhận định, Luật Đất đai cho thấy nhiều cải tiến khi đã có sự bổ sung các quy định về nguyên tắc sử dụng đất, cơ chế về giao đất, cho thuê đất, cân bằng quyền lợi và vị thế của nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi khi đưa ra những quy định hoàn thiện liên quan tới bồi thường, hỗ trợ tái định cư. 

“Trong tương lai, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận với đất đai một cách thuận lợi hơn, thủ tục hành chính cũng đơn giản, thông thoáng hơn, người dân cũng được hưởng lợi khi giá đất bình ổn hơn, xóa bỏ nhiều vướng mắc pháp lý còn tồn tại”, ông Thân đánh giá.

Về tranh chấp bất động sản, GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết, tranh chấp trong giao dịch bất động sản rất đa dạng, phát sinh theo trong nhiều loại hợp đồng như đặt cọc, mua bán, hợp tác kinh doanh,... trong đó, các tranh chấp phổ biến nhất đến từ tranh chấp về điều kiện có hiệu lực.

Theo thống kê từ VIAC, hiện nay, số lượng vụ tranh chấp bất động sản được ghi nhận ở con số lớn. “Trong thời gian tới, một số tranh chấp bất động sản còn có chiều hướng gia tăng mạnh hơn, có thể kể tới các rủi ro liên quan đến vấn đề hình thức văn bản, công chứng và việc thuê đăng ký sẽ giảm do Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Đất đai 2024 đã bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết. Mặt khác, các tranh chấp bất động sản cũng phát sinh phức tạp bởi pháp luật quy định không rõ ràng hoặc các bên cố ý thực hiện sai quy định”, ông Đại nhận định.

Cao Ánh

comment Bình luận