Thêm một mùa chiến dịch, thêm vững chắc lá chắn phòng dại cho huyện Đức Huệ

Huyện Đức Huệ, tỉnh Long An tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm phòng dại, mang đến hàng nghìn mũi tiêm miễn phí cho chó, mèo. Bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chiến dịch còn là cơ hội để sinh viên thú y trẻ rèn luyện chuyên môn và lan tỏa trách nhiệm với cộng đồng. Qua từng năm, "lá chắn phòng dại" ngày càng vững chắc nhờ sự chung tay của cả xã hội.
19:29 | 19/04/2025

Ngày 19/4, tại huyện Đức Huệ, chiến dịch “Tiêm phòng dại vì cộng đồng” đang được triển khai sôi nổi, tiếp nối thành công của những năm trước. Đây là một hoạt động thường niên đầy ý nghĩa, do Công ty Thuốc Thú y Boehringer Ingelheim Việt Nam phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An, UBND huyện Đức Huệ và Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tổ chức. Được tổ chức lần thứ 5 liên tiếp, chiến dịch này góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu “Không còn ai chết vì bệnh dại vào năm 2030” của Chính phủ Việt Nam.

Chiến dịch “Tiêm phòng dại vì cộng đồng” tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An

Chiến dịch “Tiêm phòng dại vì cộng đồng” tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An

Chiến dịch năm nay dự kiến tiêm phòng cho khoảng 8.500 con chó, mèo trên địa bàn huyện từ ngày 19/4 đến 26/4/2025. Sau 5 năm, tổng số thú nuôi được tiêm phòng đã vượt 33.000 con, qua đó từng bước kiểm soát nguy cơ bùng phát bệnh dại tại địa phương.

Điểm đặc biệt của chương trình không chỉ nằm ở quy mô tiêm phòng mà còn ở sự đồng hành đầy tâm huyết của hơn 60 sinh viên và 8 giảng viên từ Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các sinh viên ngành Thú y không chỉ thực hành chuyên môn mà còn chủ động tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại và tầm quan trọng của việc tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi.

Lưu Đức Hoàng (quê Thái Bình), sinh viên năm 4, khóa 47, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM chia sẻ: "Ngay từ nhỏ, tôi đã có niềm yêu thích đặc biệt với động vật, và chính điều đó đã dẫn lối tôi đến với ngành thú y. Ngành thú y không chỉ là một lựa chọn nghề nghiệp, mà còn là cách tôi biến tình yêu động vật thành hành động cụ thể và ý nghĩa”.

Các bạn sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM hăng hái tham gia chiến dịch

Các bạn sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM hăng hái tham gia chiến dịch

Lê Bảo Ngân (quê Bà Rịa – Vũng Tàu), sinh viên năm 4 cùng khóa, tâm sự: “Tôi chọn ngành Thú y vì có một tình yêu đặc biệt với động vật và mong muốn góp phần vào việc bảo tồn các loài đang gặp nguy hiểm. Mỗi loài vật đều xứng đáng được quan tâm và chăm sóc, và tôi tin rằng thông qua công việc của một bác sĩ thú y, tôi không chỉ có thể chữa lành cho chúng mà còn đóng góp vào việc gìn giữ sự đa dạng sinh học”.

Nguyễn Thị Sao Mai (quê Gia Lai), cũng là sinh viên năm 4, chia sẻ thêm: “Tôi chọn ngành Thú y vì tôi yêu thích công việc mang tính bảo vệ sức khỏe cộng đồng – động vật, con người và cả môi trường. Quan trọng hơn, ngành Thú y có công việc rất đa dạng như làm trong thú trang trại, thú nhỏ hay ở lĩnh vực kỹ thuật, phòng lab,... Vì vậy, tôi tin rằng đây là con đường phù hợp nhất để tôi vừa được sống với đam mê, vừa đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng và môi trường”.

Các bạn sinh viên tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống dại cho người dân

Các bạn sinh viên tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống dại cho người dân

Sự hiện diện của các bạn trẻ mang đến không khí thân thiện, gần gũi và nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ người dân. Ông Phan Văn Mạng (xã Mỹ Thạnh Đông), chủ nuôi 3 chó và 2 mèo chia sẻ: “Chiến dịch giúp tôi tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho thú cưng và gia đình”.

Theo PGS.TS. Lê Quang Thông, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, chiến dịch này là minh chứng cho hiệu quả của một chiến lược tiếp cận bài bản: kết hợp tiêm phòng diện rộng, truyền thông giáo dục cộng đồng và giám sát vật nuôi. “Khi người dân chủ động tiêm phòng cho vật nuôi của mình, chúng ta đang xây dựng một rào chắn vững chắc chống lại bệnh dại”.

TS. Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM phát biểu tại buổi lễ

TS. Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM phát biểu tại buổi lễ

TS. Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cũng bày tỏ sự kỳ vọng từ chiến dịch: “Bệnh dại là một thách thức nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu có sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm từ nhiều phía. Việc hợp tác ba bên giữa nhà trường – địa phương – doanh nghiệp là một mô hình hiệu quả, nhân văn và cần được lan tỏa mạnh mẽ. Sau chiến dịch, các em sinh viên không chỉ giỏi hơn về chuyên môn mà còn trưởng thành trong nhận thức, trong trái tim của cộng đồng. Đây chính là hành trang quý giá để các em tiếp tục cống hiến cho xã hội sau khi ra trường”.

Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An phát biểu tại buổi lễ

Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An phát biểu tại buổi lễ

Về phía địa phương, bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An, đánh giá cao những kết quả tích cực mà chiến dịch mang lại: “Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác kiểm soát bệnh dại tại huyện Đức Huệ, góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. Chúng tôi chân thành cảm ơn Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam và Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM vì sự đồng hành bền bỉ và hiệu quả cùng địa phương suốt những năm qua”.

Ông Niklas Birkner – Tổng Giám đốc Boehringer Ingelheim Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ

Ông Niklas Birkner – Tổng Giám đốc Boehringer Ingelheim Việt Nam chia sẻ tại buổi lễ

Ông Niklas Birkner – Tổng Giám đốc Boehringer Ingelheim Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi tin rằng, mỗi mũi tiêm không chỉ là một hành động bảo vệ vật nuôi, mà còn là bước tiến quan trọng để gìn giữ sức khỏe cộng đồng. Khi động vật khỏe mạnh, con người cũng an toàn hơn. Trải qua 5 năm đồng hành cùng các địa phương, chúng tôi càng nhận thấy rõ: việc loại trừ bệnh dại không thể thực hiện đơn lẻ, mà cần một mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, trường đại học, doanh nghiệp và người dân. Boehringer Ingelheim Việt Nam cam kết tiếp tục mang đến những giải pháp y tế tiên tiến, song hành cùng các đối tác để nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy hành động thiết thực và từng bước hiện thực hóa mục tiêu ‘Không còn ai tử vong vì bệnh dại vào năm 2030’ của Chính phủ Việt Nam”.

Một số hình ảnh tại buổi phát động chiến dịch:

Chien-dich-tiem-phong-dai-cho-meo-tai-huyen-duc-hue
Chien-dich-tiem-phong-dai-cho-meo-tai-huyen-duc-hue-1
Chien-dich-tiem-phong-dai-cho-meo-tai-huyen-duc-hue-2
Chien-dich-tiem-phong-dai-cho-meo-tai-huyen-duc-hue-3

Chính quyền địa phương và các bạn sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tuyên truyền phòng chống dịch cho người dân.

Chien-dich-tiem-phong-dai-cho-meo-tai-huyen-duc-hue-5
Chien-dich-tiem-phong-dai-cho-meo-tai-huyen-duc-hue-6

Hoạt động trồng cây trong chiến dịch “Tiêm phòng dại vì cộng đồng”.

Chien-dich-tiem-phong-dai-cho-meo-tai-huyen-duc-hue-13
Chien-dich-tiem-phong-dai-cho-meo-tai-huyen-duc-hue-10
Chien-dich-tiem-phong-dai-cho-meo-tai-huyen-duc-hue-11
Chien-dich-tiem-phong-dai-cho-meo-tai-huyen-duc-hue-12
Chien-dich-tiem-phong-dai-cho-meo-tai-huyen-duc-hue-14

Các bạn sinh viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại và tầm quan trọng của việc tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới ghi nhận khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh dại. WHO cũng khuyến nghị tỷ lệ tiêm phòng chó mèo cần đạt tối thiểu 70% ở các khu vực có nguy cơ để đảm bảo hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh dại lây sang người.

Dù đã đạt được một số tiến bộ trong công tác phòng chống và đẩy lùi bệnh dại, Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Riêng năm 2024, cả nước ghi nhận 80 ca tử vong do bệnh dại, cao hơn 10 ca so với năm trước.

Cao Ánh

comment Bình luận