Vĩnh Long ban hành quy định mới về quản lý chất thải rắn sinh hoạt hộ gia đình, cá nhân

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và đảm bảo mỹ quan đô thị.
14:10 | 04/05/2025

Theo quy định, chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại tại nguồn và lưu chứa trong bao bì hoặc thiết bị chuyên dụng (thùng có lót túi riêng cho từng loại). Bao bì, thiết bị lưu chứa phải đảm bảo kín, không rách, rò rỉ, phát tán mùi hôi trong suốt quá trình lưu trữ, tập kết, trung chuyển và vận chuyển.

Đối với chất thải nguy hại, hộ gia đình, cá nhân phải lưu chứa riêng, đảm bảo an toàn và không lẫn với các loại rác khác trong thời gian chờ bàn giao cho cơ sở thu gom. Chất thải cồng kềnh cũng cần được bảo quản tại nhà, chỉ được đưa ra đúng thời điểm xe thu gom đi qua, không được đặt tràn lan trên vỉa hè, lòng đường hoặc nơi công cộng.

UBND các cấp sẽ lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định pháp luật. Các điểm tập kết, trạm trung chuyển phải bố trí khu vực hoặc thùng chứa phù hợp cho từng loại rác đã phân loại, đồng thời đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

Tuyến đường và thời gian thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt sẽ được thực hiện theo Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND; chất thải nguy hại theo Quyết định số 14/2022/QĐ-UBND. UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo công khai các điểm tập kết, trạm trung chuyển cũng như lịch trình thu gom để người dân phối hợp thực hiện.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phương tiện thu gom, vận chuyển phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với từng loại chất thải đã phân loại, tránh rò rỉ, phát tán mùi hoặc nước rỉ rác. Tại những khu vực khó tiếp cận, UBND cấp xã sẽ bố trí phương tiện thay thế phù hợp theo quy định tại Thông tư số 35/2024/TT-BTNMT.

Tần suất và địa điểm thu gom được xác định dựa trên thỏa thuận giữa hộ dân, cộng đồng dân cư, đơn vị thu gom và chính quyền địa phương. UBND cấp xã chủ trì họp dân, thống nhất phương án và thông báo rộng rãi đến các hộ gia đình, cá nhân. Đối với chất thải nguy hại, thời gian thu gom sẽ do cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện hoặc xã chủ trì tổ chức.

UBND tỉnh cũng khuyến khích người dân tái chế, tái sử dụng chất thải tại chỗ như: Dùng thực phẩm thừa làm phân compost, thức ăn chăn nuôi hoặc phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Phân loại và xử lý chất thải được quy định như sau:

Chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng: Người dân có thể tự chuyển giao cho cơ sở tái chế.

Rác sinh hoạt không tái chế được: Giao cho đơn vị thu gom theo thông báo của UBND cấp xã, sau đó được xử lý tại khu xử lý tập trung theo quy hoạch.

Rác cồng kềnh: Bảo quản tại nhà, giao đúng lịch, không vứt bừa bãi.

Chất thải nguy hại: Lưu giữ riêng, giao cho đơn vị thu gom đúng thời gian, địa điểm được thông báo. Việc xử lý được thực hiện tại các cơ sở có giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

Việc ban hành quy định lần này thể hiện nỗ lực của tỉnh Vĩnh Long trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải, hướng tới phát triển bền vững và xây dựng môi trường sống xanh – sạch – đẹp cho người dân.

Đức Tường

comment Bình luận