Đồng Tháp: Phấn đấu có 75% chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh được phân loại

Theo kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2025, trong năm nay 100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và phấn đấu 100% hộ gia đình được tập huấn và triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
12:58 | 20/03/2025

Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh đạt 75%. Trong đó, đối với các huyện đạt chuẩn bảo vệ môi trường nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 80% trở lên; huyện nông thôn mới, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 70% và các xã đạt chuẩn bảo vệ môi trường nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt đạt 70% trở lên.

Cùng với đó, 100% trụ sở cơ quan, đơn vị (trường học, cơ sở y tế,…) thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt; 100% mô hình chợ quê, các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 3 nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tại chế (giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ). Chất thải thực phẩm (thức ăn thừa; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau sơ chế, chế biến món ăn v.v.; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản). Chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại).

Kế hoạch của UBND tỉnh nêu cụ thể về lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt, phương án thu gom và mô hình thu gom, vận chuyển, tập kết và xử lý chất thải sinh hoạt.

Nguyệt Ánh

comment Bình luận