Tác động của già hóa dân số và chiến lược chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Bình Phước

Hiện nay, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố có dân số đông và kinh tế phát triển mạnh. Tỉnh Bình Phước là một ví dụ điển hình, khi số lượng người cao tuổi ngày càng tăng, tạo ra áp lực lớn không chỉ đối với phát triển kinh tế mà còn đối với các dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội.
12:02 | 12/11/2024

Thực trạng già hóa dân số ở Bình Phước

Theo báo cáo của các đơn vị, năm 2024, Bình Phước có khoảng 71.297 người cao tuổi, chiếm gần 7% dân số toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, con số này tăng rất nhiều (khoảng 114.000 người, chiếm 10,6% tổng dân số và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thập kỷ tới). Tốc độ già hóa dân số tại Bình Phước xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là chất lượng cuộc sống được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng, trong khi tỷ lệ sinh giảm dần.

Hội người cao tuổi tỉnh Bình Phước ký giao ước thi đua phong trào “Tuổi cao - Gương sáng” năm 2024

Hội người cao tuổi tỉnh Bình Phước ký giao ước thi đua phong trào “Tuổi cao - Gương sáng” năm 2024

Già hóa dân số mang lại cả lợi ích lẫn thách thức cho kinh tế - xã hội. Ở khía cạnh tích cực, già hóa tạo ra có một lực lượng lao động giàu kinh nghiệm, trách nhiệm xã hội cao. Hiện nay, hầu hết NCT đều tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển cộng đồng; từ phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn phát huy bản sắc dân tộc; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tuy nhiên, việc gia tăng tỷ lệ người cao tuổi đồng nghĩa với nhu cầu cao hơn về chăm sóc y tế và an sinh xã hội, gây áp lực lên ngân sách tỉnh và hệ thống dịch vụ y tế.

Tình hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện nay

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tỉnh Bình Phước

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tỉnh Bình Phước

Trước thực trạng trên, ngày 5/4/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. Kế hoạch đề ra các giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi và phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Hội Người cao tuổi tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Dân số tỉnh tổ chức tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước tổ chức tọa đàm chăm sóc sức khỏe cho NCT.

Bên cạnh triển khai kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tỉnh đã triển khai một số chính sách trợ cấp và hỗ trợ người cao tuổi. Ngày 20/5/2024, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai Thông báo số 110/TB-VPCP ngày 21/3/2024 của Văn phòng Chính phủ, về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác về người cao tuổi năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan địa phương thực hiện tốt các chính sách trợ cấp xã hội, đảm bảo 100% người cao tuổi đang hưởng trợ cấp hằng tháng đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời, đúng quy định. Ngày 13/6/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND triển khai Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2024 với chủ đề “Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.” Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố mua bảo hiểm y tế cho NCT từ 60 đến 79 tuổi không có khả năng mua bảo hiểm y tế.

Những thách thức và khó khăn

Ông Nguyễn Công Sởi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Bình Phước

Ông Nguyễn Công Sởi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Bình Phước

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Công Sởi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh thì, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vẫn còn một số hạn chế như: Hệ thống y tế tỉnh hiện chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc đặc thù cho người cao tuổi. Nhiều bệnh viện và cơ sở y tế còn thiếu các khoa lão khoa chuyên biệt, chưa trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại để chẩn đoán và điều trị các bệnh mãn tính phổ biến ở người cao tuổi. Đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn về lão khoa còn thiếu, nhiều cán bộ y tế chưa được đào tạo bài bản để chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tim mạch, xương khớp và sa sút trí tuệ.

Cùng với đó là nguồn kinh phí để xây dựng các cơ sở chăm sóc chuyên biệt và trang bị các thiết bị y tế hiện đại cũng hạn chế. Các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh còn thiếu phòng khám chuyên khoa và các trang thiết bị phục vụ cho việc khám, điều trị người cao tuổi, đặc biệt là các thiết bị phục hồi chức năng.

Tỉnh hiện có các dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và chăm sóc tại nhà dành cho người cao tuổi, nhưng chưa đa dạng và chuyên sâu. Các chương trình khám sức khỏe định kỳ, cấp phát thuốc miễn phí và tư vấn dinh dưỡng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người cao tuổi.

Một số gia đình và cộng đồng vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc người cao tuổi, dẫn đến sự thiếu quan tâm và hỗ trợ trong việc chăm sóc, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT. Các chính sách hiện hành vẫn còn thiếu nhất quán, dẫn đến việc người cao tuổi ở các vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được đầy đủ với các dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội.

Giải pháp và định hướng phát triển

Trung ương Hội NCT Việt Nam tặng quà NCT nghèo, hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bình Phước

Trung ương Hội NCT Việt Nam tặng quà NCT nghèo, hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bình Phước

Để cải thiện tình hình, theo ông Sởi, tỉnh Bình Phước cần đầu tư xây dựng các khoa lão khoa chuyên biệt tại bệnh viện tuyến tỉnh và huyện; trang bị thêm thiết bị y tế hiện đại để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi. Mở các khóa đào tạo ngắn hạn về lão khoa cho nhân viên y tế, đặc biệt chú trọng đến kiến thức và kỹ năng chăm sóc người cao tuổi. Khuyến khích đầu tư xây dựng các trung tâm dưỡng lão và các dịch vụ chăm sóc tại nhà để hỗ trợ người cao tuổi, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, thực hiện các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về chăm sóc người cao tuổi và gia tăng sự tham gia của cộng đồng trong việc chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi. Đề xuất các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ người cao tuổi như trợ cấp y tế, khám chữa bệnh miễn phí và các chương trình chăm sóc sức khỏe tại nhà; nghiên cứu và áp dụng các mô hình chăm sóc người cao tuổi tiên tiến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Già hóa dân số là một thách thức lớn, đòi hỏi Bình Phước phải có các biện pháp kịp thời để chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi. Việc xây dựng hệ thống y tế và dịch vụ xã hội thân thiện với người cao tuổi không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của họ mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Trong tương lai, cùng với chính sách chung của Chính phủ, tỉnh Bình Phước cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, đầu tư phát triển nguồn lực và tăng cường nhận thức cộng đồng nhằm hướng đến một xã hội an lành và bền vững cho mọi lứa tuổi.

Đức Tường - Thanh Hà

comment Bình luận