Bình Phước: Huyện Bù Đăng 50 năm đổi mới, vươn lên mạnh mẽ

Chiều 24/10, UBND huyện Bù Đăng đã phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức họp báo công bố các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng Bù Đăng (14/12/1974 - 14/12/2024) và lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
14:18 | 25/10/2024

50 năm đổi thay và phát triển

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển kể từ khi được giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Bù Đăng đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ ngày mới tái lập, huyện chỉ có 7 xã với dân số gần 30.000 người. Đến nay, toàn huyện có 144.476 người, trong đó có 31 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 40%.

Bù Đăng đã chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp với các hướng đi bền vững như nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại, huyện có 43 hợp tác xã và 272 trang trại trồng trọt, chăn nuôi sản xuất hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu hạt điều. Mỗi năm, ngành điều của Bù Đăng đóng góp vào nền kinh tế địa phương với tổng doanh thu lên đến 3.077,339 tỷ đồng.

Hạ tầng giao thông, điện lưới được nâng cấp, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt sau 50 năm phát triển

Hạ tầng giao thông, điện lưới được nâng cấp, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt sau 50 năm phát triển

Về hạ tầng, Bù Đăng đã có những bước tiến dài trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và điện lưới. Toàn huyện đã làm mới 490,88 km đường giao thông nông thôn và nâng cấp, xây dựng các trạm điện cùng hệ thống lưới điện cho các xã, thị trấn. Đến nay, 99,9% số hộ dân trên địa bàn đã được sử dụng điện, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bù Đăng cũng đã đạt được nhiều thành tựu. Hiện có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Mục tiêu đến cuối năm 2025, toàn huyện sẽ có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, huyện đang nỗ lực phấn đấu để đưa thị trấn Đức Phong lên đô thị loại IV và thành lập đô thị Đức Liễu loại V.

Lễ hội "Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo"

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng Bù Đăng, lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” sẽ diễn ra từ ngày 8/11 đến 10/11 tại khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Lễ hội sẽ là điểm nhấn trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch của huyện, với mục tiêu quảng bá tiềm năng du lịch, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nét văn hóa đặc trung của dân tộc S'tiêng, huyện Bù Đăng, Bình Phước; Ảnh: Anh Tuấn

Nét văn hóa đặc trung của dân tộc S'tiêng, huyện Bù Đăng, Bình Phước; Ảnh: Anh Tuấn

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, người dân và du khách sẽ được tham gia vào nhiều chương trình văn hóa đa dạng như biểu diễn nghệ thuật dân gian, các trò chơi truyền thống, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, và những hoạt động thể thao hấp dẫn. Ngoài ra, lễ hội cũng sẽ tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản của địa phương, qua đó kết nối giao thương và thu hút du khách đến tham quan, đầu tư vào tiềm năng du lịch và nông nghiệp của Bù Đăng.

Chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng Bù Đăng không chỉ mang ý nghĩa lịch sử quan trọng mà còn nhằm tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc và đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Các sự kiện sẽ tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ tinh thần của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Đăng trong việc tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Toàn cảnh họp báo

Toàn cảnh họp báo

Sau 50 năm vươn lên mạnh mẽ, huyện Bù Đăng đã ghi dấu nhiều thành tựu đáng tự hào trong phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Hướng tới tương lai, huyện Bù Đăng sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển nông thôn mới, nâng cấp hạ tầng đô thị và phấn đấu trở thành một địa phương có nền kinh tế bền vững, phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” không chỉ là dịp để tưởng nhớ và tôn vinh lịch sử mà còn là bước đệm để Bù Đăng tiến xa hơn trên hành trình phát triển, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời hội nhập vào sự phát triển chung của đất nước.

Đức Tường

comment Bình luận