Phản hồi văn bản trả lời của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều dấu hiệu sai phạm cần được làm rõ và xử lý nghiêm
Theo đó, sau nhiều tháng liên hệ các cơ quan có thẩm quyền tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để phản ánh dấu hiệu sai phạm của 1 bác sĩ người nước ngoài Cheng Chih Hung và Phòng khám chuyên khoa ngoại, mà ông này chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, Phóng viên (PV) Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng nhận được văn bản số 733/SYT-Ttra, đề ngày 07/3/2024, do ông Bùi Chí Tình - Phó Giám đốc Sở Y tế ký. Kỳ vọng là vụ việc sẽ được giải quyết thỏa đáng, nhưng, rất lấy làm tiếc, cả 4 nội dung mà Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trả lời trong văn bản đều chưa thỏa đáng, có những vấn đề bất cập, cần được tiếp tục trao đổi làm rõ. Cụ thể:
Nội dung 1:
Theo câu trả lời này, thì những lần cơ quan chức năng đến kiểm tra Phòng khám chuyên khoa Ngoại đều có mặt bác sĩ Cheng Chih Hung. Vậy những lúc không kiểm tra, thì cơ quan chức năng có chắc là bác sĩ này cũng có mặt không? Cơ quan chức năng có kiểm tra làm rõ sự vắng mặt của bác sĩ Cheng Chih Hung tại phòng khám này vào trưa ngày 21/4/2023, theo chứng cứ PV đã cung cấp không?
Thực tế, bác sĩ Cheng Chih Hung hành nghề tại căn nhà số 43, đường số 7, khu phố 5, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM vào trưa ngày 21/4/2023, PV không chỉ tai nghe, mắt thấy, mà còn thu thập được nhiều chứng cứ, chứng minh hành vi của bác sĩ này. Điều lạ là, tại sao khi đến kiểm tra, cơ quan kiểm tra không phát hiện sai phạm như nội dung báo chí phản ánh, nhưng cơ quan chức năng không đề nghị PV cung cấp lại, hoặc bổ sung chứng cứ?
Từ tháng 8/2023 đến nay, PV đã nhiều lần cung cấp thông tin, chứng cứ về vụ việc này cho Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, song vụ việc vẫn chưa được xử lý. Vậy trong trường hợp ông Cheng Chih Hung có sai phạm, nhưng không thể xử phạt, do vụ việc bị kéo dài, dẫn đến hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, thì trách nhiệm thuộc về ai? Và tại sao vụ việc bị kéo dài như vậy?
Nội dung 2:
Nếu cơ quan chức năng xác định người đàn ông mặc áo sọc đỏ khám cho bệnh nhân Long vào ngày 26/12/2023 là bác sĩ Thạch Hữu Tân, thì phải làm rõ bác sĩ này có vi phạm điểm c khoản 7 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ không?
Bởi theo danh sách nhân sự bổ sung đăng kèm Quyết định số 1269/QĐ-SYT ngày 29/12/2023 của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ Thạch Hữu Tân là khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa ngoại chấn thương chỉnh hình. Trong khi theo dữ liệu video quay ngày 26/12/2023, bác sĩ Tân chính là người khám bệnh về chuyên khoa Tai – Mũi – Họng cho ông Long.
Ngoài ra, bác sĩ Tân hành nghề vào ngày 26/12/2023, nhưng đến ngày 29/12/2023, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới ký quyết định phê duyệt nhân sự. Do đó, bác sĩ Tân còn có dấu hiệu vi phạm điểm b Khoản 8 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ: “Người hành nghề không đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật”.
Nội dung 3:
Trường hợp bác sĩ Cheng Chih Hung là người chẩn đoán và quyết định cuối cùng để kê đơn thuốc cho bệnh nhân Long, thì cần phải làm rõ hành vi của bác sĩ có vi phạm Khoản 5 Điều 48 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ không?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009: “1. Việc chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp điều trị và kê đơn thuốc phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: a) Dựa trên kết quả khám lâm sàng, kiểm tra cận lâm sàng, kết hợp với yếu tố tiền sử bệnh, gia đình, nghề nghiệp và dịch tễ;...”. Trong khi video quay vào ngày 26/12/2023 thể hiện suốt thời gian bệnh nhân Long ở phòng khám, bác sĩ Cheng Chih Hung không hề khám, hỏi thăm tình trạng bệnh...
Và cũng cần phải xác minh rõ hành vi này có vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của bác sĩ Cheng Chih Hung không?
Nội dung 4:
Không rõ thông tin “bệnh nhân Long yêu cầu bác sĩ người nước ngoài xử lý gấp do đau họng khó thở” và “Phòng khám có yêu cầu bệnh nhân Long nên ra phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, hoặc bệnh viện nhưng bệnh nhân Long nói khó thở cần Bác sĩ hỗ trợ ngay lập tức” được Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lấy từ đâu?
Trong khi vào ngày 28/2/2024, PV đã cung cấp cho 1 cán bộ Thanh tra Sở Y tế video dài khoảng 37 phút, được quay liên tục lúc bệnh nhân Long có mặt tại phòng khám này. Theo đó, khi vào phòng khám bệnh nhân Long kể với bác sĩ Tân các triệu chứng như: “Thấy dạo này tai bị ù, với lại bị đau họng, mũi nhức... chân hôm trước bị trật khớp nó đau, giờ lạnh, nó lạnh nó đau nhức...”. Giọng ông Long chậm rãi, từ tốn chứ không tỏ vẻ gấp gáp như những bệnh nhân cần phải cấp cứu.
Ngoài ra, trong video ông Long không hề nói “Yêu cầu bác sĩ người nước ngoài xử lý gấp do đau họng khó thở" hoặc "...cần bác sĩ hỗ trợ ngay lập tức” và những người làm việc tại phòng khám này cũng chẳng hề khuyên bệnh nhân Long nên ra phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, hoặc bệnh viện.
Trao đổi với PV, bệnh nhân Long cho biết: “Lúc vừa qua Tết, có người xưng làm ở Thanh tra Sở Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu gọi mời tôi đến làm việc, trong khi thời điểm đó tôi về quê ăn Tết và ở lại Hà Nội làm việc, nên không tiện vào. Do không có thư mời, với trước đây tôi cũng không cho Thanh tra Sở số điện thoại, nên hơi bất ngờ, không biết có phải Thanh tra thật hay không?... Lúc gọi thì Thanh tra chỉ nói mời đến làm việc, chứ không hỏi rõ sự việc ngày hôm đó diễn ra như thế nào? Nên tôi cũng không biết gì mà trả lời. Tới lúc xem văn bản của Sở Y tế tôi rất bất ngờ. Làm gì có chuyện tôi yêu cầu bác sĩ người nước ngoài xử lý gấp do đau họng khó thở và nhân viên tại phòng khám cũng không hề nói tôi nên ra phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, hoặc bệnh viện. Nếu người ở phòng khám nói như vậy, thì tôi đố họ đưa được ra bằng chứng”!
Thiết nghĩ, trong trường hợp ông Long chỉ đến khám bệnh thông thường, chứ không phải cấp cứu, mà cơ quan chức năng lại áp dụng điểm b khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ "Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu"; Điều 5 Thông tư số 31/2021/TT-BYT ngày 28/12/2021 của Bộ Y tế "...Tiếp nhận, phân loại, sàng lọc và cấp cứu ban đầu..."; và khoản 1 Điều 6 Luật Khám, chữa bệnh năm 2009 “Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh” để không xử lý trách nhiệm của những người hành nghề cùng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là không phù hợp với bản chất của sự việc và thậm chí còn có lợi cho các đối tượng bị phản ánh.
Từ những vấn đề trên, có thể thấy vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong văn bản trả lời của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và sức khỏe cho người dân, các cơ quan chức năng nên tiếp tục vào cuộc kiểm tra, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của những người hành nghề và cơ sở khám bệnh chữa bệnh nêu trên. Bên cạnh đó, cũng cần xem lại trách nhiệm của cán bộ khi thực thi công vụ.
Hồ Ninh
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
5 cách tăng hấp thu sắt
Một số lời khuyên để tăng cường hấp thu sắt bao gồm ăn thực phẩm giàu vitamin C như cam, hạt điều, ổi và sơ ri, cùng với thực phẩm giàu chất sắt và tránh sử dụng thường xuyên thuốc kháng axit.January 5 at 3:57 pm -
Long An: Kiểm tra phòng cháy, chữa cháy hơn 28.800 lượt cơ sở
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 7 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản hơn 2,2 tỉ đồng, không có thiệt hại về người. So với năm 2023, giảm 1 vụ, giảm 1 người chết và giảm 3 người bị thương, giảm thiệt hại hơn 5,7 tỉ đồng.January 5 at 3:57 pm -
Cần Thơ: Truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá cho học sinh
Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ phối hợp Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, quận Ninh Kiều tổ chức truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá cho học sinh.January 4 at 9:58 am -
Sử dụng khẩu trang đúng cách để phòng bệnh đường hô hấp
Hiện nay đang trong giai đoạn khí hậu, thời tiết mùa đông xuân, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Để phòng ngừa những bệnh về đường hô hấp gia tăng, Bộ Y tế cũng khuyến khích mọi người nên đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người.January 4 at 9:58 am