Liên quan đến vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai: Bệnh nhi nặng nhất tử vong

Sau thời gian điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, bệnh nhi nặng nhất trong vụ ngộ độc bánh mì ở TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai tử vong.
13:39 | 03/06/2024
Vụ ngộ độc bánh mì ở TP. Long Khánh làm hơn 550 người nhập viện, 1 người tử vong

Vụ ngộ độc bánh mì ở TP. Long Khánh làm hơn 550 người nhập viện, 1 người tử vong

Ngày 3/6, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi 5 tuổi được chuyển từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đến Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tử vong sau thời gian điều trị tích cực.

Trước đó, bệnh nhi nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Sau hội chẩn liên viện, ngày 4/5, bệnh nhi được chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1 do tình trạng rất nặng.

Bệnh nhi nhập khoa Hồi sức tích cực chống độc, tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, tổn thương đa cơ quan, tổn thương não, lọc máu, hồi sức, thở máy. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhi 5 tuổi đã không qua khỏi.

Liên quan đến vụ ngộ độc bánh mì ở TP. Long Khánh làm hơn 550 người nhập viện

2

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai tiếp nhận hàng loạt người vào viện cấp cứu, với các triệu chứng: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng do ăn bánh mì.

Bước đầu xác định, tất cả các bệnh nhân đều có ăn bánh mì thịt của tiệm bánh mì Cô Băng nằm trên đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, TP. Long Khánh. Thời gian ăn bánh mì từ 15 giờ đến 19 giờ ngày 30/4. Sau ăn bánh mì khoảng 4 đến 8 giờ thì xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt… Một số trường hợp đã tự mua thuốc uống tại nhà và nhập viện vào sáng 1/5.

Theo báo cáo của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tiệm bánh mì Cô Băng mỗi ngày bán trên 1.000 ổ bánh mì. Kết quả kiểm tra ban đầu, tiệm bán bánh mì thịt bao gồm: bánh mì, pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), chả lụa, thịt nguội, thịt heo, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm: nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Nguyên liệu được sơ chế và chế biến ngay tại tiệm. Trong ngày 30/4, quán bán hơn 1.100 ổ bánh mì.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiệm bánh có 4 lao động trực tiếp làm việc và đều không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không có giấy khám sức khỏe.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm như patê, thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua lấy tại cơ sở bánh mì khi vụ ngộ độc xảy ra, phát hiện vi khuẩn Salmonella. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vi khuẩn Salmonella.

Cao Ánh

comment Bình luận