Hội nghị Liên minh Đột quỵ Toàn cầu 2025: Khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong chăm sóc đột quỵ

Ngày 24/7/2025 tại Hà Nội, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Liên minh Đột quỵ Toàn cầu năm 2025.
20:42 | 24/07/2025

 Hội nghị quy tụ gần 300 đại biểu đến từ hơn 15 quốc gia nhằm chia sẻ các thành tựu nổi bật, thảo luận những thách thức hiện nay, đồng thời khẳng định cam kết chung trong việc nâng cao năng lực phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ.

Hội nghị do Tổ chức Đột quỵ Thế giới phối hợp cùng Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao hàng đầu Việt Nam, Hội Đột quỵ TP Hà Nội và Chương trình Angels tổ chức. Đây là minh chứng cho vị thế ngày càng cao của ngành đột quỵ Việt Nam trên bản đồ y học thế giới, cũng như sự quan tâm đặc biệt từ Tổ chức Đột quỵ Thế giới đối với Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, phát biểu tại hội nghị.

Đột quỵ, Gánh nặng y tế toàn cầu

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia nhấn mạnh: đột quỵ não không chỉ là gánh nặng y tế nghiêm trọng mà còn là gánh nặng kinh tế - xã hội toàn cầu. Hiện nay, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ hai và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người trưởng thành trên toàn thế giới.

Theo thống kê, mỗi năm toàn cầu ghi nhận khoảng 12,2 triệu ca đột quỵ mới, tương đương cứ mỗi 3 giây lại có một người bị đột quỵ. Hậu quả rất nặng nề: Khoảng 71% bệnh nhân mất khả năng lao động sau đột quỵ. Chi phí điều trị và chăm sóc đột quỵ chiếm khoảng 1,12% tổng GDP toàn cầu.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2019, có tới 135.999 ca tử vong do đột quỵ, đứng đầu trong các bệnh lý tim mạch. Tỷ lệ mắc mới ước đạt 222 ca/100.000 dân/năm; tỷ lệ hiện mắc lên đến 1.541 ca/100.000 dân, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: Việc nâng cao chất lượng chuyên môn và phát triển chuyên ngành đột quỵ là yêu cầu cấp thiết.

Ngành Y tế Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ trong xây dựng mạng lưới chăm sóc đột quỵ: Từ 12 đơn vị vào năm 2016 lên hơn 150 đơn vị vào năm 2025. Các kỹ thuật tiên tiến như tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đã được triển khai thường quy tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương.

Chương trình Angels, sáng kiến toàn cầu của Tổ chức Đột quỵ Thế giới, được triển khai tại Việt Nam từ năm 2017 đã góp phần chuẩn hóa quy trình chăm sóc và nâng cao hiệu quả can thiệp cấp cứu.

Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành một trong bốn trung tâm trên thế giới đạt số lượng chứng nhận “Kim cương” cao nhất theo tiêu chí của Tổ chức Đột quỵ Thế giới. “Đây là niềm tự hào không chỉ của ngành Y tế mà còn là minh chứng rõ nét cho năng lực hội nhập và phát triển chuyên môn sâu của y tế Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Những thách thức còn tồn tại và định hướng chiến lược

Bên cạnh những thành tựu, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ ra một số thách thức lớn, trong đó có tỷ lệ người bệnh đến viện muộn, vượt quá “thời gian vàng” để can thiệp hiệu quả; hệ thống cấp cứu trước viện còn thiếu đồng bộ; thiếu các đơn vị phản ứng nhanh chuyên biệt về đột quỵ; và sự chênh lệch về năng lực điều trị giữa các vùng miền.

Để vượt qua những rào cản này, Bộ Y tế xác định cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược: Mở rộng mạng lưới các đơn vị đột quỵ đạt chuẩn trên toàn quốc theo mô hình "vệ tinh – trung tâm", ưu tiên tại các vùng sâu, vùng xa; xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá Trung tâm đột quỵ áp dụng thống nhất cả nước, làm cơ sở kiểm định chất lượng theo chuẩn mực khu vực và quốc tế; đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu, tập trung vào cấp cứu tiền viện, can thiệp mạch não và phục hồi chức năng sớm sau đột quỵ; đồng thời nâng cao năng lực tuyến cơ sở; nghiên cứu và triển khai Chương trình Quốc gia về đột quỵ, với ba mục tiêu: Giảm tỷ lệ mắc, tử vong và tàn phế do đột quỵ, yêu cầu sự phối hợp liên ngành và đầu tư có trọng tâm; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, dự báo nguy cơ đột quỵ dựa trên dữ liệu lớn, phát triển mạng lưới can thiệp từ xa nhằm rút ngắn thời gian xử trí…    

Ghi nhận thành tựu và khẳng định vai trò quốc tế

Hội nghị năm nay nhấn mạnh vai trò quan trọng của can thiệp nội mạch – phương pháp điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ do tắc mạch lớn trong việc giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế.

Trong khuôn khổ sự kiện, Tổ chức Đột quỵ Thế giới đã trao chứng nhận “Trung tâm Đột quỵ chuyên sâu” cho Bệnh viện Bạch Mai trở thành bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam và cả Đông Nam Á đạt chứng nhận theo bộ tiêu chí mới cập nhật.

Đặc biệt, PGS.TS Mai Duy Tôn, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hà Nội, đã vinh dự nhận giải thưởng “Spirit of Excellence Award” từ Tổ chức Đột quỵ Thế giới, một trong tám cá nhân toàn cầu được vinh danh vì những đóng góp xuất sắc cho chuyên ngành đột quỵ, mỗi quốc gia chỉ có một đại diện nhận giải./.

comment Bình luận