Lần đầu tiên Quảng Nam can thiệp thành công bệnh lý động mạch ngoại biên phức tạp
Bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật nong và đặt stent động mạch chi dưới là người đàn ông 82 tuổi, tình trạng bệnh phức tạp, tắc hoàn toàn mạch chày của chân trái.
Ngày 7/3/2025, sau hơn 4 giờ can thiệp tích cực tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, bệnh nhân đã được nong và đặt stent; các chỉ số theo dõi sau phẫu thuật ổn định; bệnh nhân tiếp tục được điều trị hậu phẫu tại bệnh viện.

Bác sĩ kiểm tra mạch ngoại biên chi trái và các thông số của bệnh nhân trước khi phẫu thuật (Ảnh: Lan Nhi)
BS.CKII Nguyễn Thống Nhất - Giám đốc BVĐK khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho biết, lần đầu tiên Quảng Nam triển khai can thiệp nội mạch chi dưới, bao gồm kỹ thuật nong bóng và đặt stent cho một ca bệnh phức tạp, do các bác sĩ BVĐK khu vực miền núi phía Bắc thực hiện dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ trực tiếp của PGS.TS Trần Đức Hùng - Chủ nhiệm Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Quân y 103.
Bệnh viện bố trí ê kíp bác sĩ nhiều kinh nghiệm, được đào tạo chuyên môn và đầy đủ phương tiện như máy chụp mạch máu kỹ thuật số hóa xóa nền (DSA), vật tư y tế trong can thiệp về mạch máu để thực hiện phẫu thuật tốt nhất cho bệnh nhân.

PGS.TS Trần Đức Hùng - Chủ nhiệm Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Quân y 103 (bìa phải) cùng ê kíp phẫu thuật (Ảnh: Lan Nhi)
Theo các chuyên gia, bệnh lý động mạch chi dưới là một biểu hiện của xơ vữa động mạch toàn thân, ảnh hưởng khoảng 3-10% dân số nói chung và lên đến 15-20% ở người quá 70 tuổi. Người mắc bệnh này có thể dẫn đến các triệu chứng thiếu máu chi nghiêm trọng, gây loét, hoại tử và thậm chí phải cắt cụt chi nếu không được điều trị kịp thời.
Kỹ thuật nong và đặt stent động mạch chi dưới là một phương pháp can thiệp xâm lấn, trong đó bác sĩ sẽ đưa một ống thông qua động mạch để thực hiện nong bóng làm giãn các động mạch bị hẹp hoặc tắc nghẽn, sau đó đặt stent để giữ động mạch thông suốt.
Trước khi diễn ra ca can thiệp mạch ngoại biên chi dưới đầu tiên tại Quảng Nam, ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế đến khu phẫu thuật BVĐK khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam kiểm tra, động viên ê kíp phẫu thuật, thăm hỏi bệnh nhân.
Ông Mai Văn Mười cho biết, BVĐK khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật mới về can thiệp tim mạch, nhưng can thiệp mạch ngoại biên chi dưới là lần đầu tiên được triển khai tại Quảng Nam. Đây là ca bệnh khó, có biến chứng về bệnh đái tháo đường. Với sự hỗ trợ của chuyên gia tim mạch Bệnh viện Quân y 103, ca phẫu thuật đã thực hiện thành công.
"Lâu nay các bệnh nhân ở Quảng Nam liên quan đến mạch chi dưới phải chuyển đến các bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… điều trị. Qua ca can thiệp đầu tiên tại BVĐK khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, kỹ thuật này sẽ tiếp tục triển khai tại BVĐK tỉnh và BVĐK khu vực miền núi phía Bắc, vì các bệnh viện này có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ giỏi và được chuyển giao kỹ thuật điều trị tim mạch tiên tiến", ông Mai Văn Mười nói.

Giám đốc Sở Y tế Mai Văn Mười kiểm tra phòng mổ tại BVĐK khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (Ảnh: Lan Nhi)
Triển khai thành công kỹ thuật nong và đặt stent động mạch chi dưới tại BVĐK khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam giúp các bệnh nhân không phải lên tuyến trên chi phí tốn kém, thuận tiện cho việc chăm sóc, đặc biệt là các bệnh viện hạng I của tỉnh được nâng cao chất lượng chuyên môn trong can thiệp tim mạch.
Theo BS.CKII Nguyễn Thống Nhất, thời gian đến, bệnh viện tiếp tục đầu tư nhân lực, cử bác sĩ đi đào tạo những lĩnh vực kỹ thuật chuyên sâu và một số kỹ thuật bệnh viện chưa triển khai; đồng thời mong muốn được sự quan tâm đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế và các sở ngành để bệnh viện ngày càng có nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ bệnh nhân.
Lan Nhi

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Một nghĩa cử hiến tạng, ba cuộc đời được hồi sinh
Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM, một phụ nữ qua đời vì tai nạn đã hiến tạng, cứu sống ba người bệnh.June 30 at 4:45 pm -
Bộ Y tế: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca mắc sởi, xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh
Trước nguy cơ bệnh sởi vẫn tiềm ẩn và có khả năng bùng phát tại một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế – PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đã ký ban hành văn bản chỉ đạo tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi nhằm kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.June 30 at 1:16 pm -
Từ 2026, Sổ BHXH điện tử thay thế bản giấy: Người dân cần làm gì?
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 164/2025/NĐ-CP ngày 29/6/2025 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.June 30 at 1:16 pm -
Cảnh báo về mức độ nguy hiểm khó lường của sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue ngày càng trở nên khó dự đoán về thời điểm và phạm vi bùng phát. Theo Bộ Y tế, trong gần 5 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận 22.974 ca mắc sốt xuất huyết Dengue và 5 ca tử vong tại nhiều tỉnh thành.June 27 at 2:36 pm