Ký ức xuân Tây Nguyên huyền thoại

Mùa xuân Tây Nguyên rực rỡ sắc hoa, những bản anh hùng ca, ca ngợi cuộc sống, tình yêu, con người của vùng đất sử thi. Mùa xuân nơi đây là mùa xuân của đại ngàn hòa quyện với âm thanh cồng chiêng rộn ràng, không khí lễ hội náo nhiệt, tiếng hát hoa pơ lang ngây ngất lòng người, thêm vào đó là vẻ đẹp của con người Tây Nguyên tạo nên một Tây Nguyên hùng vĩ, sử thi, nên thơ, lưu luyến.
9:58 | 11/02/2024

Tháng 2 năm 2009, là lần đầu trong đời tôi thấy màu hoa dã quỳ rực rỡ dày thành cánh rừng, hoa tràn theo các thung lũng, hoa ken vào sát vách, hoa tràn hai bên đường quốc lộ. Một bức tranh thiên đường vàng rực rỡ sắc xuân. Những con đường uốn lượn ngợp hương sắc, ong bướm ngập trời,... Từ sáng sớm những người bạn Tây Nguyên đã cùng nhau tận hưởng những ly cà phê sóng sánh đậm đà để bắt đầu cho một ngày nắng ấm xuân lành. Đêm đến những cô gái, chàng trai da nâu, mắt sáng đậm chất cao nguyên trong những trang phục truyền thống cùng nhau múa hát, nắm tay nhau trước ánh lửa bập bùng. Mùi thịt nướng thơm lừng trên bếp lửa, họ cùng hò reo, nhún nhảy nhịp điệu, cùng chung nhau vòi rượu cần cho đến khi cái say men rượu hòa cùng với cái say men tình và tất cả mọi người cùng say trong không khí se se lạnh giữa đại ngàn về khuya.

Vẻ đẹp của đèo An Khê

Vẻ đẹp của đèo An Khê

Kỷ niệm ấy đã qua lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ, như một lời hò hẹn của Tây Nguyên nhắc tôi mỗi độ xuân về, mùa xuân như thắp lửa cho những miên man dòng ký ức của tình yêu xứ sở hoa dã quỳ. Màu hoa vàng hoang dã ấy tràn lên đèo Măng Đen trườn xuống khắp đường phố Kon Tum, đường phố Pleuku, và ngập nắng vàng Chư Pưh. Hoa như tạo thêm sức sống cho con người Tây Nguyên rực rỡ hơn, mạnh mẽ hơn, đặc trưng hơn. Hoa men theo dòng chảy những dòng sông Krông Anô, Krông Ana rồi xuôi về những ngọn núi, dòng sông trên cao nguyên Lâm Viên. Như một kẻ lữ hành tự tại, tự do, cùng với những loài hoa dại khác, dã quỳ vươn mình không một trật tự nào để tỏa sắc vàng, không cần một sự sắp đặt nào cho sự hiện hữu bất diệt của mình. Giữa khô hạn Tây Nguyên muôn vàn hà khắc của 6 tháng mùa khô, hoa vẫn an nhiên, tự vươn mình đấu tranh sinh tồn. Vượt qua trằn trụi mà sống, mà khẳng định, nhưng dã quỳ vàng không bao giờ cô đơn, hoa sống với rừng hoa, đan vào nhau, đoàn kết, trung kiên, khẳng định sức sống cộng đồng mãnh liệt như biểu tượng của tình đoàn kết 40 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, keo sơn, gắn bó. 

Cảm xúc Tây Nguyên không chỉ sắc trời, khí trời, gió trời, con người bản địa, âm thanh núi rừng mà huyền thoại nơi đây còn bị cuốn hút bởi các món ăn, còn được gọi là “văn hóa ẩm thực Tây Nguyên”. Các vật dụng thường để tạo ra món ăn như ống tre, nứa, bương, vầu, lá chuối, bếp than củi,...

Nhớ đến ẩm thực Tây Nguyên, nhớ quay quắt những món dân giã với cách chế biến độc đáo đậm chất miền núi. Những tinh túy của nền ẩm thực núi rừng đậm chất hoang sơ, hương vị hấp dẫn lại được kết hợp các loại đặc sản vả thảo dược quý hiếm đã tạo nên những món ăn hấp dẫn đến khó cưỡng. Nguyên liệu và hương vị, cách chế biến các món ăn của người đồng bào chủ yếu là tận dụng từ thiên nhiên rất an toàn với sức khỏe.

Văn hóa ẩm thực Tây Nguyên được chế biến bởi các vật dụng dân giã và mang đậm chất miền núi

Văn hóa ẩm thực Tây Nguyên được chế biến bởi các vật dụng dân giã và mang đậm chất miền núi

Vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh là Kom Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với hơn 40 dân tộc anh em cùng chung sống. Sự giao thoa văn hóa hòa lẫn giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số đã ngày càng được mở rộng và phát triển. Tây Nguyên cũng là nơi hội tụ kết hợp ẩm thực các vùng đất khác với sự biến tấu phù hợp đủ để tạo nên gia vị, phong cách ẩm thực đặc trưng vừa lạ, vừa quen như tạo ra chất men gây nghiện cho mọi người thưởng thức. Các món ăn quen thuộc như gà nướng, cơm lam, canh thụt, gỏi lá, phở khô, muối kiến, bò một nắng,…

Trong ẩm thực thì không thể thiếu rượu cần. Rượu cần là sản vật xuất hiện ở mọi nơi, trong cuộc sống hay văn hóa sinh hoạt xã hội của người dân. Rượu cần còn mang nhiều ý nghĩa sử thi, nhân văn. Rượu cần là lễ vật được sử dụng để dâng kính lên các vị Thần, để mong mưa thuận, gió hòa. Rượu cần còn là cách thức để người dân đến gần hơn với đấng tối cao và giao tiếp với họ. Rượu cần là phương tiện để mọi người cùng bên nhau, chia sẻ và thêu dệt mối lương duyên, ân tình.

Ai đã từng dừng chân tại bữa tiệc xuân Tây Nguyên thì không thể quên âm vang cồng chiêng, âm vang núi rừng, một thứ dư vị lắng đọng tận sâu tâm hồn. Trong lễ hội mùa xuân Tây Nguyên, cồng chiêng như mạch nước ngầm thấm đẫm trong cuộc sống, lúc dữ dội, khi ào ào như thác đổ, khi sôi động, trẻ trung như chàng trai hát khúc cây kơ nia, dũng mãnh như “đập vỡ cây đàn” nhưng có khi lại mặn mà, lắng đọng như tình yêu của cô sơn nữ, và thì thầm, trách móc của người vợ giận chồng, đôi lúc reo vui ồn ào như đứa trẻ lên ba khi tinh nghịch… Vũ hội của cồng chiêng Tây Nguyên trở thành sức mạnh huyền bí thu hút con người tham gia vào câu chuyện cuộc sống bất tận. Một chút hương vị nồng của men rượu cần, hương thơm của cơm lam thịt nướng, của hương cà phê Buôn Ma Thuột, bên cạnh đống lửa bập bùng trước sân nhà rông,… vỡ òa với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Âm thanh của cồng chiêng có thể xoa dịu nỗi buồn, sự đớn đau, sự cô đơn trống vắng... Người giàu sang, kẻ nghèo hèn, người già hay trai gái trẻ…tất cả như được thôi miên, khao khát tìm về cội nguồn, gắn kết trong vũ hội cồng chiêng trong mùa lễ hội ở Tây Nguyên.

Mùa xuân Tây Nguyên không thể thiếu âm vang của tiếng cồng chiêng

Mùa xuân Tây Nguyên không thể thiếu âm vang của tiếng cồng chiêng

Mùa Xuân Tây Nguyên sóng sánh trong ánh mắt của người con xa quê. Thả hồn giữa thiên nhiên đất trời, cảm thức trên con đường đất đỏ bazan, tôi thấy mình như lạc giữa mùa xuân trắng bởi sắc hoa cà phê phủ trắng xóa khắp các vạt đồi, bát ngát, trùng trùng… Ong bướm ngập trời bay lượn, tôi giơ tay hàng chục con bượm đậu rung rinh vẫy cánh. Hành trình khám phá Tây Nguyên từ Kon Tum qua Gia Lai,  Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đến chân núi Langbiang; từ Biển Hồ đến đỉnh Chư Đang Ya hùng vĩ, nơi đâu cũng thơm lừng hoa cà phê trắng xóa, tinh khôi cả bầu trời rực sáng. Trong không gian tĩnh lặng, đan xen những luồng gió lạnh trải nghiệm sự tĩnh tại, vô ưu trong vẻ đẹp hoang dại, bình yên, vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất đỏ bazan đón xuân về.

Không khí rộn ràng, ấm áp của mùa xuân tràn ngập khắp các buôn làng, khắp núi rừng cao nguyên lộng gió. Cái nắng, cái gió…cái tình ở Tây Nguyên cũng mang theo hương hoa cà phê nồng nàn, hương hoa dã quỳ hoang dại và nụ cười người dân Tây Nguyên giòn dã mà đắm say lòng người. Kho báu Tây Nguyên không ngủ mà vẫn từng ngày vẫn nở hoa, vẫn chào đón mọi người ở các xứ sở khác về chiêm ngưỡng, khám phá, chinh phục cảnh sắc, làm giàu cho bản thân, gia đình và phồn vinh cho đất nước. 

Tây Nguyên vào xuân, xuân 2024, xuân Giáp Thìn, các buôn làng rộn rã tiếng cồng chiêng, bà con dân tộc Ê Đê, M'nông, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ - Chiêng, cộng đồng người Kinh… cùng nhau tổ chức nhiều lễ hội độc đáo, hòa mình vào những cuộc vui miên man ngày tháng… Nhà nhà, người người nô nức lễ hội, cùng cầu xin các vị thần ban cho một năm mới sung túc, bình an, mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc, gia đình an khang.

Chu Loan

comment Bình luận