TS Nguyễn Thu Hạnh: Bảo tồn di sản cồng chiêng Tây Nguyên theo tư duy chuỗi giá trị

Trước tình trạng nhiều làng bản ở Tây nguyên đã không còn cồng chiêng, người biết chơi cồng chiêng ngày càng ít và cồng chiêng không còn giữ được vai trò là “vật thiêng”, là nhạc khí dân gian chủ đạo trong đời sống tinh thần của người dân, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng ngày càng trở nên bức thiết.
20:14 | 08/02/2024

Với tiềm năng nổi trội và đặc sắc nhưng thực tế việc khai thác di sản văn hóa Việt Nam phục vụ du lịch còn rất nhiều hạn chế và bất cập. Di sản văn hóa được bảo tồn một cách cứng nhắc và thiếu sự thích ứng linh hoạt. TS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe) đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này khi nhìn từ thực tiễn di sản cồng chiêng Tây Nguyên.

PV: Theo bà, đâu là những hạn chế trong khai thác di sản văn hóa Việt Nam phục vụ du lịch, phát triển kinh tế hiện nay?

TS Nguyễn Thu Hạnh: Với tiềm năng khá nổi trội và đặc sắc, tuy nhiên trên thực tế việc khai thác di sản văn hóa Việt Nam phục vụ du lịch còn rất nhiều hạn chế và bất cập. Di sản văn hóa được bảo tồn một cách cứng nhắc và thiếu sự thích ứng linh hoạt do Luật Di sản còn thiếu những hướng dẫn cụ thể. 

Sản phẩm du lịch văn hóa phát triển tự phát, không theo hệ thống nên thường manh mún và hay bị trùng lặp. Đa số sản phẩm còn đơn điệu, nghèo nàn, thiếu bản sắc và không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước, nên chưa đem lại hiệu quả doanh thu cao. Mặt khác, sản phẩm du lịch văn hóa còn chưa thực sự góp phần bảo tồn và tôn vinh các giá trị của di sản.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ví dụ, nhận thức, trình độ chuyên môn của các đối tượng tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm du lịch còn nhiều hạn chế; sự lúng túng của các cấp, các ngành trong việc quản lý và khai thác di sản, đặc biệt là những “di sản sống” như làng cổ, làng nghề truyền thống,... Thực tế, bảo tồn “di sản sống” là bảo tồn giá trị và dấu ấn của một quá trình tiếp biến văn hoá, chứ không phải bảo tồn một điểm dừng chân nào đó của di sản trên chặng đường phát triển của nó… Vì vậy trong chính sách quản lý bảo tồn cần có một cái nhìn động, mang tính thích nghi, thích ứng… để di sản có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại.

Ngoài ra, sản phẩm du lịch tại các di sản văn hóa ở Việt Nam chưa được đầu tư nghiên cứu và quy hoạch phát triển một cách hệ thống trên diện rộng, với mục tiêu và chiến lược dài hạn ở tầm quốc gia; phương thức đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch và cơ chế phân chia lợi ích tại các di sản văn hóa chưa khuyến khích và thu hút được sự tham gia rộng rãi trong xã hội (đặc biệt là sự tham gia của người dân tại khu vực di sản).

Cộng đồng (người dân địa phương tại khu vực di sản) là chủ thể của di sản, đồng thời là người có trách nhiệm duy trì, bảo vệ và phát huy di sản để trở thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang nét đặc thù địa phương. Theo đó, vấn đề cốt lõi là đem lại được lợi ích thiết thực cho người dân từ việc khai thác di sản, qua đó nhận thức của người dân sẽ thay đổi và chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn, khai thác di sản một cách hiệu quả và bền vững.

TS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe)

TS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe)

PV: Di sản văn hóa không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (2005). Ở góc độ chuyên gia, bà đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn Tây Nguyên những năm qua thế nào? Đâu là những vướng mắc, hạn chế cần chú ý?

TS Nguyễn Thu Hạnh: Cồng chiêng là di sản quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là vật linh thiêng, có giá trị nhất của mỗi gia đình, là bản sắc văn hóa của cộng đồng, gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng bao đời nay ở các nghi lễ, lễ hội truyền thống... Đối với quá khứ, đối với lịch sử, văn hóa cồng chiêng Tây nguyên đã khẳng định được dấu ấn quan trọng của mình

Theo đánh giá của nhiều tài liệu nghiên cứu, ngày nay có nhiều làng bản ở Tây nguyên đã không còn cồng chiêng nữa, số người biết chơi cồng chiêng cũng ngày càng ít đi,… Ngày nay, cồng chiêng không còn được coi là của cải, không còn giữ được vai trò là “vật thiêng”, là nhạc khí dân gian chủ đạo trong đời sống tinh thần của người dân. 

Đáng lo ngại hơn là sự thờ ơ của lớp trẻ, nhiều người không thích hoặc không biết đánh cồng chiêng. Cồng chiêng chỉ còn là một loại nhạc khí dân gian, khó tập, khó sử dụng lại đòi hỏi phải có nhiều người tham gia, đồng thời lại “lạc hậu” so với nhiều loại nhạc cụ mới, hiện đại theo lối sinh hoạt văn hóa mới; do vậy, cồng chiêng dần bị quên lãng, dần bị mai một, đây là thực tế đang diễn ra ở không ít làng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.

Điều này có nguyên nhân sâu xa từ sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ trồng cây lúa rẫy sang cây công nghiệp (cà phê, cao su, ca cao…), đã dẫn đến sự suy giảm những sinh hoạt cồng chiêng gắn với hoạt động sản xuất truyền thống. Không gian buôn làng, khu nhà mồ, bến nước,... là không gian văn hóa cồng chiêng đã bị thu hẹp hoặc thay thế bằng nhà xây kiên cố, giếng khoan. Đời sống và sinh hoạt hiện đại làm thay đổi nhận thức về tính thiêng và tính cộng đồng của văn hóa cồng chiêng. Nhiều hộ gia đình đã bán đi những bộ chiêng, ché, kpan quý.

Mặt khác, kinh tế - xã hội phát triển nên xuất hiện nhiều loại hình giải trí mới thu hút giới trẻ. Do đó, việc hướng giới trẻ theo học cồng chiêng và các loại hình văn hóa dân tộc trở nên khó khăn. Lớp trẻ chưa hiểu, chưa cảm nhận được rõ giá trị của văn hóa cồng chiêng nên chưa thật sự yêu thích và quan tâm. Trong khi nhiều nghệ nhân giỏi (từ nghệ nhân chỉnh sửa chiêng đến nghệ nhân trình diễn, múa Xoang) do tuổi tác cao, lần lượt qua đời. Một bộ phận đồng bào Ba-na, Gia-rai (tỉnh Gia Lai), M'nông (tỉnh Đắk Nông) từ bỏ tín ngưỡng truyền thống trong đó có thực hành đánh cồng chiêng và các sinh hoạt gắn với văn hóa cồng chiêng… 

Mặc dù nhà nước đã quan tâm đầu tư đến việc phục dựng lại loại hình văn hoá này dưới nhiều hình thức, nhiều chương trình, nhưng cũng chỉ là “muối bỏ biển”. Thực chất, di sản cồng chiêng và nhiều loại hình di sản văn hóa khác như đình, chùa, miếu, mạo, lăng tẩm, hay tuồng, chèo, cải lương,… đều là những tinh hoa của quá khứ, là sản phẩm của con người cũ, bối cảnh cũ với các nhu cầu giải trí và thị hiếu đã cũ.

Con người thời nay, với thế giới phẳng, với sự thay đổi chóng mặt của cuộc cách mạng 4.0, họ sống nhanh, sống gấp gáp và không còn đủ sự tĩnh tâm để lắng nghe những giai điệu chậm rãi, lặp đi lặp lại, mang tính tự sự, giãi bày, dù rằng những giai điệu đó đã từng là cầu nối tuyệt vời để con người giao cảm với thiên nhiên, đối thoại với thần linh,…là linh hồn của âm nhạc quá khứ. 

Cần khẳng định rằng, cái hay của thời này, chưa chắc đã là cái hay của thời khác, vàng bạc kim cương đối với người này, chưa chắc đã là của cải đắt tiền đối với người khác. Di sản văn hoá cũng vậy, giá trị của nó cũng cần phải được nhìn nhận dưới góc nhìn đa chiều hơn, toàn diện hơn và biện chứng hơn. Một cái bát cổ sứt sẹo với người buôn đồ cổ thì quý, với người thường thì nó không bằng cái bát lành lặn có thể dùng ăn cơm hàng ngày.

TS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe)

TS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe)

PV: Bà từng đề xuất việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Không gian văn hóa cồng - chiêng Tây nguyên” theo tư duy “chuỗi giá trị”. Xin bà phân tích cụ thể hơn vấn đề này?

TS Nguyễn Thu Hạnh: Nhìn nhận và đánh giá giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng dưới góc độ bảo tồn, nhìn về quá khứ trong một giai đoạn lịch sử, là công việc đã có nhiều người làm. Nhưng chỉ dừng ở góc độ đó sẽ biến việc bảo tồn di sản trở thành công việc mang tính lý thuyết và gần như không thể áp dụng vào thực tế hiện tại vì nó không lôi kéo được sự tham gia của cộng đồng và cũng không xã hội hoá được công tác bảo tồn. 

Để di sản văn hóa cồng chiêng được bảo tồn như một “di sản sống”, tiếp tục khai thác và hưởng lợi từ nó, giúp nó thăng hoa toả sáng và thích ứng với cuộc sống đương đại, cần có cái nhìn cởi mở hơn, biện chứng hơn và sống động hơn về chuỗi giá trị đặc thù có được từ di sản “Không gian văn hóa cồng - chiêng Tây nguyên” từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Trên cơ sở cách tiếp cận đó, có thể đề xuất chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù từ “Không gian văn hóa cồng chiêng”. Theo đó, tôi đề xuất các tour du lịch đặc thù, cụ thể:

Tour du lịch “Theo dấu chân Vua Voi – Amakong”: Tham quan nơi ở của Vua Amakong ( buôn Đôn cổ xưa); vào rừng với voi, xem chỗ ở của voi, xem voi đẻ, voi kiếm ăn, voi tắm, voi vẽ, voi nghịch nước; xem đám cưới voi, lễ hội đua voi,… Ngoài ra, tham quan nhà rông, nhà dài, nhà mồ, mộ Vua Amakong,…tham gia lễ hội cồng - chiêng. 

Tour du lịch “Đi tìm nữ thần mặt trời”: Tái hiện sử thi Đam San bằng tour du lịch thám hiểm rừng sâu, tìm hiểu các hệ sinh thái, các giá trị tâm linh của người Ê đê cổ xưa, khám phá nơi ở của nữ thần mặt trời,…Thăm thác, hồ, các miệng núi lửa,… 

Tour du lịch khám phá vương quốc của “vua café”: Thăm quan bảo tàng café, trang trại café, thưởng thức các loại hình café độc đáo như café cồng - chiêng; café rock, café voi; café trên cây, café Đam San, Café bóng tối, café rượu cần, cafe chân thác,…    

Tour “Thám hiểm các miệng núi lửa”: Tham quan Núi Hoa (núi Chư M’Gar), ngọn Chư Hơ Drông ngày nay đã tắt ngấm nhưng vẫn còn giữ được dạng đỉnh hình nón cụt, những hồ miệng núi lửa tròn vành vạnh như hồ La Bang và Tô Nu Eng Prông, biển Hồ T’Nưng, đỉnh Hàm Rồng, đỉnh núi lửa cũ Đắk Mil, hệ thống hang động núi lửa từ miệng núi lửa buôn Choah dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Dray Sáp, ngọn núi lửa Chư Đăng Ya,…

Tour tham quan các khu bảo tồn rừng quốc gia: Tham quan các vườn quốc gia Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Chư Yang Sin, Tà Đùng, Bidoup Núi Bà, Cát Tiên; tham quan các khu bảo tồn thiên nhiên như khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Kon Cha Răng, Ea Sô, Nam Ka, Nam Nung; khu bảo tồn loài như khu bảo tồn Đắk Uy, khu bảo tồn sinh cảnh Ea Ral, khu bảo tồn Trấp Ksơ.

Ngoài các tour du lịch thì có các loại hình khách sạn, nhà hàng đặc thù như khách sạn sử thi (khách sạn Đam san, khách sạn Amakong, khách sạn nữ thần mặt trời); khách sạn giải trí (khách sạn voi, khách sạn bóng đá, khách sạn café, khách sạn trên thác, khách sạn trong rừng…).

Thêm các loại hình vui chơi giải trí đặc thù, cụ thể như show trình diễn cồng chiêng theo chủ đề dân tộc kết hợp hiện đại, kết hợp chiêng với nhạc rock hoặc nhạc giao hưởng, kết hợp cồng - chiêng với nhảy múa hiện đại; show “lễ hội cồng - chiêng đường phố”,…

Các loại hình ẩm thực như rượu cần, rượu Amakong, cafe, hạt tiêu, cơm lam, gỏi lá, rau rừng, gà nướng bản đôn, cá lăng, các món từ măng, heo rẫy nướng, bún đỏ, bò một nắng, bơ sáp, rau rừng,…; các đồ lưu niệm như các sản phẩm từ thổ cẩm, trang sức từ lông voi, sừng trâu, các đồ lưu niệm từ tre nứa,…

TS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe)

TS Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe)

PV: Không riêng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, để di sản nói chung được bảo tồn như một “di sản sống” và khai thác nó, hưởng lợi từ nó, theo bà cần những giải pháp nào?

TS Nguyễn Thu Hạnh: Theo tôi, để bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, để có thể biến di sản thành tài sản, việc đầu tiên là phải thay đổi tư duy và nhận thức trong việc nhìn nhận và khai thác giá trị di sản. Nhà nước cần có các chương trình tập huấn để nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn của các đối tượng tham gia vào quá trình bảo tồn và khai thác di sản (nhà quản lý hoạch định, doanh nghiệp, tư vấn, khách du lịch, cộng đồng dân cư).

Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phải được đầu tư nghiên cứu và quy hoạch phát triển một cách hệ thống trên diện rộng, theo mô hình mới thích ứng với bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại.  Ngoài ra, cần phải xây dựng cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng và hợp lý để có thể gắn kết chặt chẽ nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp với người dân trong quá trình triển khai chuỗi sản phẩm vào thực tế. Tạo động lực về nguồn vốn ban đầu cho người dân để họ có đủ năng lực trở thành chủ thể trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm du lịch.

Xin cảm ơn bà!

Lâm Trí

comment Bình luận