Bảo tồn và phát triển lễ hội Tống Phong ở miền Tây

Tống Phong hay còn gọi là tống ôn, tống gió, tống tà ma là lễ hội truyền thống lâu đời của người dân ở vùng nông thôn Nam Bộ với mong muốn cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, cầu bình an, được bà con tổ chức vào dịp đầu năm mới.
10:33 | 10/02/2024

Đầu năm mới chính là thời điểm chúng ta có thể bắt gặp nhiều lễ hội được tổ chức ở miền Tây. Trong khoảng thời gian từ 12 - 14 tháng Giêng âm lịch là thời điểm diễn ra lễ hội Tống Phong, thực chất là lễ hội cầu bình an được bà con duy trì tổ chức hằng năm. Lễ hội được tổ chức tại Xóm Chài ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ với nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên địa bàn.

Người dân ở vùng nông thôn Nam Bộ đa số đều gắn cuộc đời mình với sản xuất nông nghiệp, các hoạt động trên miền sông nước, lễ Tống Phong diễn ra với mục đích nguyện cầu bình an, may mắn, mưa thuận gió hòa để bà con yên tâm sản xuất, phát triển và nâng cao, cải thiện đời sống.

Lễ hội được tổ chức tại Xóm Chài ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ với nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên địa bàn

Lễ hội được tổ chức tại Xóm Chài ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ với nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên địa bàn

Lễ cúng được tổ chức trang trọng

Phần lễ trong lễ hội Tống Phong được người dân tổ chức một cách trang trọng với nhiều hoạt động phong phú. Trong dịp này, người dân sẽ cùng nhau thả một chiếc thuyền, chiếc thuyền này sẽ theo dòng nước mang đi tất cả những tà khí, ô uế, dịch bệnh, loại trừ những cái xấu xa, buồn phiền, bệnh tật, mang đến những may mắn, bình an, hưng thịnh cho xóm làng, người dân.

Chiếc thuyền tế được người dân chuẩn bị sẵn những món đồ cúng như nhang đèn, vàng mã, bánh kẹo, trái cây, hoa, thịt, cá,…làm hành trang cho đám cô hồn sẽ mang đi theo và không trở lại quấy rối cuộc sống của người dân. Trước khi bước vào nghi thức hạ bè tống ôn, hàng trăm tàu, thuyền lớn nhỏ sẽ tề tựu và cùng di chuyển một vòng trên sông Cần Thơ sau đó mới di chuyển ra khu vực giữa sông Hậu để tiến hành nghi lễ.

Từ 2 - 3 giờ chiều, khoảng thời gian mực nước dâng lên lớn nhất trên sông sẽ là thời điểm thuyền tế được người dân đưa xuống sông. Lúc này, thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong làng cùng nhau nhào xuống sông đẩy thuyền tế đi thật xa, đẩy những cái xấu xa, ô uế ra xa khỏi xóm làng sau đó tất cả mọi người sẽ cùng tưới nước, tắm trên dòng sông đã sạch như đón lấy những điều may mắn, bình an trong cuộc sống. Hoạt động múa lân trên thuyền cũng được tổ chức nhằm tạo không khí thoải mái để cô hồn ra đi được vui vẻ.

Nghi lễ cầu an gồm có cúng bà, cúng thổ thần và người khuất mặt, thả bè ra sông cái. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn tổ chức đốt lửa, đánh trống, múa lân, đốt gạo muối để tiêu trừ những ám khí còn sót lại, đón những điều tốt đẹp, hưng thịnh cho xóm làng.

Lễ hội thu hút hàng trăm ghe, tàu, thuyền lớn nhỏ đi sau tàu chở bè tống ôn di chuyển một vòng quanh khu vực sông Cần Thơ hơn 2 tiếng rồi mới di chuyển ra giữa sông Hậu làm lễ hạ bè tống ôn

Lễ hội thu hút hàng trăm ghe, tàu, thuyền lớn nhỏ đi sau tàu chở bè tống ôn di chuyển một vòng quanh khu vực sông Cần Thơ hơn 2 tiếng rồi mới di chuyển ra giữa sông Hậu làm lễ hạ bè tống ôn

Là một trong những nét văn hóa độc đáo của người dân ở vùng nông thôn Nam Bộ, lễ Tống Phong chính là cơ hội để thể hiện và thắt chặt tình đoàn kết xóm làng. Đây cũng là dịp để người dân cùng nhau vui chơi, giải trí với những hoạt động ở phần hội phong phú sau khi loại bỏ hết những điều xấu xa, muộn phiền trong cuộc sống để có một khởi đầu mới trọn vẹn. 

Lễ hội thu hút đông đảo tàu, thuyền tập trung trên sông Cần Thơ tạo nên một không khí tưng bừng, rộn rã, từng dòng thuyền nối đuôi nhau diễu hành trên vùng sông nước mang đến một không khí náo nhiệt chào đón những điều tốt đẹp trong dịp đầu năm mới. Thanh niên trai tráng cùng nhau vui đùa, tát nước vào mặt, hò reo, nhảy múa trên sông tạo nên những sắc màu sinh động cho bức tranh của lễ hội Tống Phong.

Phát triển lễ hội gắn với du lịch

Lễ Tống Phong chính là một hoạt động văn hóa dân gian truyền thống mang tính tự nguyện được người dân ở vùng sông nước cùng nhau duy trì và tổ chức thường niên. Đây chính là nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, hướng đến những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống. Không chỉ riêng đối với người dân tại địa phương, đây còn là một lễ hội độc đáo, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách khi có dịp đặt chân đến miền sông nước hữu tình.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, lễ Tống Phong của người Việt ở Cần Thơ là một trong những văn hoá, di sản khẳng định được vị thế, làm nên bản sắc Cần Thơ như. Di sản này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, trở thành tài nguyên phát triển du lịch quý báu.

Tuy nhiên, việc bảo tồn, khai thác giá trị các di sản văn hoá phi vật thể ở Cần Thơ hiện nay chưa tương xứng với những giá trị gốc rễ của di sản. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ từ địa phương.

Lễ Tống Phong chính là một hoạt động văn hóa dân gian truyền thống mang tính tự nguyện được người dân ở vùng sông nước cùng nhau duy trì và tổ chức thường niên

Lễ Tống Phong chính là một hoạt động văn hóa dân gian truyền thống mang tính tự nguyện được người dân ở vùng sông nước cùng nhau duy trì và tổ chức thường niên

Để bảo tồn và phát triển lễ Tống Phong trường tồn đến các thế hệ mai sau, những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Cần Thơ được các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng quan tâm. Lễ Tống Phong một nét đẹp truyền thống văn hóa dân gian của người dân Cần Thơ đã và đang được cộng đồng chung tay giữ gìn và phát huy bản sắc gắn với phát triển du lịch thành phố.

“Trong thời gian tới, ngành du lịch TP. Cần Thơ sẽ kết hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành mở các khóa đào tạo cho đội ngũ cán bộ từ quản lý di sản cho đến những người làm du lịch kiến thức về văn hóa và kinh doanh du lịch, cũng như quan điểm khai thác du lịch hợp lý đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị di sản”, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ thông tin.

Xuân Văn

comment Bình luận