Bảo tồn và phát huy Lễ hội Đua bò Bảy Núi của người Khmer ở An Giang

Được tổ chức trong khuôn khổ của Lễ hội Đônta - Lễ hội truyền thống của người Khmer được tổ chức hằng năm nhằm cầu phước cho linh hồn của tổ tiên và những người đã khuất. Lễ hội Đua bò Bảy Núi với nét độc đáo đặc trưng tạo nên sức hút mạnh mẽ với người dân và du khách.
11:35 | 09/02/2024

Đặt chân đến vùng đất An Giang, bên cạnh việc thưởng ngoạn vẻ đẹp của sông nước hữu tình, du khách còn có thể trải nghiệm những nét độc đáo trong văn hóa của người Khmer. Lễ hội Đônta là một lễ hội lớn của người Khmer được tổ chức từ 29/8 đến 1/9 âm lịch với mong muốn cầu phước đức, cầu siêu cho những linh hồn đã khuất. Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú, trong đó đặc biệt thu hút không thể không nhắc đến Lễ hội đua bò của đồng bào Khơme vùng núi Thất Sơn còn gọi là vùng Bảy Núi, huyện Tri Tôn (An Giang). Không chỉ là nét văn hóa truyền thống, lễ hội đua bò còn là hoạt động thể thao đặc trưng của người Khmer ở An Giang.

Hấp dẫn môn thể thao cổ truyền

Vào những ngày tháng 8, chúng ta có thể thấy không khí lễ hội tưng bừng, náo nhiệt diễn ra ở An Giang, ai nấy đều phấn khởi, khẩn trương chuẩn bị cho lễ hội. Các đội thi tất bật với khí thế cùng sự quyết tâm cao trước khi bước vào những màn tranh tài đầy kịch tính của lễ hội. Diễn ra vào đúng dịp Lễ Đônta, Lễ hội đua bò Bảy Núi thu hút lượng lớn người dân và du khách tứ phương theo dõi, thưởng thức những màn thi đấu hấp dẫn.

Bên cạnh hoạt động cầu nguyện cho linh hồn những người đã khuất tại các chùa, những ngày này, thanh niên tại các phum sóc cũng mang đôi bò đến để cày ruộng giúp các chùa. Sau khi các thửa ruộng vừa được cày xong, chủ bò sẽ chọn những đôi bò bắt cặp với nhau thi đua kéo bừa trên các thửa ruộng. Lễ hội đua bò được tổ chức theo 3 vòng: vòng xã, vòng huyện và vòng tỉnh, những đôi bò nào thắng ở vòng ngoài sẽ được thi đấu ở vòng tiếp theo.

Lễ hội đua bò Bảy Núi thu hút đông đảo khán giả cổ vũ ngân nga khắp một khoảng trời tạo nên không khí nhộn nhịp, tưng bừng cho lễ hội

Lễ hội đua bò Bảy Núi thu hút đông đảo khán giả cổ vũ ngân nga khắp một khoảng trời tạo nên không khí nhộn nhịp, tưng bừng cho lễ hội

Trước khi diễn ra các trận đấu, chủ bò sẽ dắt những đôi bò của mình diễu hành qua sân khấu, tiếng hò reo, cổ vũ ngân nga khắp một khoảng trời tạo nên không khí nhộn nhịp, tưng bừng cho lễ hội. Bước vào cuộc đua, ban tổ chức sẽ lựa chọn những đôi bò thi đấu trực tiếp theo 2 vòng, một vòng hô và một vòng thả, từng đôi bò sẽ được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, giàn răng bừa ngắn. Những người có trọng trách điều khiển đôi sẽ cầm một khúc gỗ có gắn đinh nhọn trên tay, đứng thật vững trên giàn bừa, nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa thì sẽ thua cuộc. Bên cạnh sự dũng mãnh, sức mạnh của các đôi bò, sự khéo léo, tinh tế trong quá trình điều khiển của chủ bò cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng quyết định chiến thắng. Bước vào chặng đua quyết định, những nài bò như một chiến sĩ thực thụ, một chân đứng trên giàn bừa, chân kia đứng trên thanh gỗ nối gông cổ bò với giàn bừa, tay cầm chắc cương điều khiển tốc độ, tay vung cây xà-lul liên tục chích vào mông bò, thúc giục đôi bò tăng tốc, lao thẳng về đích trong tiếng reo hò, cổ vũ của người xem. Sức khỏe của bò và nài bò quyết định rất nhiều đến chiến thắng, sự khôn khéo, kiên trì và sáng tạo của người nài bò trong việc điều khiển sẽ giúp bò vượt qua những chướng ngại vật, về đích trong niềm hân hoan, tiếng hò reo tưng bừng của người xem.

Ông Châu Sương - một chuyên gia đua bò ở vùng Thất Sơn cho biết, muốn có đôi bò giỏi phải chọn từ lúc bò còn nhỏ, rồi chăm sóc đua vòng loại nhiều năm cho quen chỗ đông người. Những đôi bò đua giỏi đạt giải cao, sau đó được tăng giá rất cao tà 20 - 30 triệu đồng/con.

Bảo tồn và phát huy lễ đặc trưng

Từ xa xưa, người Khmer gắn cuộc đời mình với sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy con bò cũng gắn liền đời sống sản xuất của họ. Khi đến mùa vụ, bò sẽ được người đàn ông mang ra ruộng để cày bừa, chuẩn bị cho mùa vụ, lúc ruộng cày xong, người dân thường hay rủ nhau đua bò. Kể từ đó, đua bò dần trở thành thói quen, được duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành Lễ hội đua bò Bảy Núi với quy mô ngày càng hoành tráng thu hút hàng chục nghìn người đổ về tham dự và đón xem hằng năm.

Lễ hội đua bò Bảy Núi thu hút lượng lớn người dân và du khách tứ phương theo dõi, thưởng thức những màn thi đấu hấp dẫn

Lễ hội đua bò Bảy Núi thu hút lượng lớn người dân và du khách tứ phương theo dõi, thưởng thức những màn thi đấu hấp dẫn

An Giang hiện có hơn 95.000 người dân tộc Khmer, chiếm 4,2% dân số và chiếm 75% tổng số đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Lễ hội đua bò được tổ chức trong Lễ hội Đônta hằng năm của người Khmer không còn là một lễ hội riêng của người bản địa mà đã trở thành lễ hội văn hóa chung thu hút đông đảo người dân tham gia. Với những nét độc đáo cùng sự hấp dẫn, kịch tính, hút khách, lễ hội đua bò Bảy Núi được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để tổ chức ngày càng bài bản, quy mô hơn, trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu của người Khmer nói riêng và tỉnh nói chung.

Ngày nay, Lễ hội đua bò Bảy Núi được phát huy tối đa yếu tố văn hóa tinh thần trong hoạt động dân gian của người Khmer Nam bộ. Công tác bảo tồn và phát huy Lễ hội đua bò Bảy Núi đóng vai trò vô cùng quan trọng trước thực tế những lễ hội văn hóa dân gian đang dần bị mai một. Trong điều kiện này, tỉnh An Giang cũng đã có những bước đi chủ động, đề án xây dựng và phát triển lễ hội đua bò Bảy Núi nâng tầm cấp khu vực và cấp Quốc tế đang được triển khai, hứa hẹn sẽ tạo nên những bước chuyển mình mới cho Lễ hội đua bò Bảy Núi trong giai đoạn tới, góp phần bảo tồn, phát huy, tạo sân chơi, giao lưu văn hóa lành mạnh cho đồng bào dân tộc.

Trường Xuân

comment Bình luận