Đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua UBND tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý các lối đi tự mở qua đường sắt.
13:42 | 07/05/2024

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số tồn tại, bất cập về các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở, biển báo hiệu, cảnh báo… đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông đường sắt đi qua địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong năm 2023 trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2 người.

Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường sắt, góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, mặt trận, các đoàn thể tỉnh và các địa phương tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định, quy tắc giao thông khi đi qua đường ngang, lối đi tự mở và ý thức người dân sinh sống dọc ven đường sắt trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ hành lang đường sắt, không “đi, đứng, nằm, ngồi” trên đường sắt. Đồng thời, chú trọng đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông đường sắt.

Đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận (ảnh minh họa)

Đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận (ảnh minh họa)

UBND các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua xây dựng kế hoạch, phương án tổng thể tổ chức giải tỏa, xóa bỏ dứt điểm các điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và lối đi tự mở qua đường sắt; đối với các lối đi tự mở đang chờ xóa bỏ, thực hiện ngay các biện pháp tăng cường để bảo đảm an toàn như bố trí người cảnh giới khi có tàu qua, cắm biển cảnh báo, biển hạn chế phương tiện đường bộ, thu hẹp chiều rộng, giải tỏa tầm nhìn, lắp đặt đèn, xây dựng gờ giảm tốc cảnh báo… Người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn quản lý theo quy định.

Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kịp thời phát hiện các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt để kiến nghị khắc phục; ngăn chặn và xử lý các trường hợp phá hoại công trình đường sắt; điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Phương

comment Bình luận