Chế độ dinh dưỡng cho trẻ mắc bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh do virus sởi gây ra, bệnh có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, người lớn chưa tiêm hoặc tiêm phòng không đầy đủ cũng có nguy cơ mắc.
18:28 | 10/04/2025

Khi bị bệnh sởi, trẻ có thể chán ăn, sốt, ho và tiêu chảy. Việc mắc bệnh sởi gây ra những thay đổi trong mô ruột và chức năng miễn dịch khiến trẻ mất protein trong phân khi mắc bệnh này, khi hệ thống miễn dịch cần tăng cường protein nhất. Chế độ ăn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ mắc bệnh sởi.

Một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, kẽm, giúp củng cố hệ miễn dịch, tăng cường khả năng chống lại virus sởi và các tác nhân gây bệnh khác. Vì vậy, cha mẹ cần bổ sung hàng ngày những thực phẩm tốt trong thời gian trẻ bị sởi.

1. Vitamin A: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Bổ sung vitamin A để giảm bớt các triệu chứng và giảm các biến chứng do bệnh sởi, đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc bất cứ nơi nào nghi ngờ thiếu vitamin A.

- Trẻ dưới 6 tháng: uống 50.000 đơn vị / ngày x 2 ngày liên tiếp.

- Trẻ 6- 12 tháng: uống 100.000 đơn vị / ngày x 2 ngày liên tiếp.

- Trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn: uống 200.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp.

Dầu gan cá tuyết, sữa nguyên chất hoặc bơ từ bò ăn cỏ, rau và trái cây có màu sắc rực rỡ đều là những nguồn tốt hoặc bổ sung chất béo omega 3, giúp điều chỉnh chức năng miễn dịch; bổ sung cà rốt, khoai lang, rau bina và bông cải xanh vào chế độ ăn uống của người bệnh.

Trong trường hợp thiếu vitamin A lặp lại sau 4-6 tuần theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý bổ sung cho trẻ để tránh nguy cơ ngộ độc.

2. Vitamin C: Ngoài chức năng tổng hợp sinh học và chống oxy hóa, vitamin C đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch và cải thiện khả năng hấp thụ sắt không phải heme, dạng sắt có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Lượng vitamin C không đủ sẽ gây ra bệnh scorbut (thiếu hụt vitamin C) đặc trưng bởi tình trạng mệt mỏi hoặc uể oải, suy yếu mô liên kết lan rộng và mao mạch dễ vỡ. Hãy bổ sung đủ lượng hoa quả như cam, quýt, dâu tây… vào chế độ ăn uống.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

3. Kẽm: Lựa chọn thực phẩm giàu kẽm, kẽm đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe, chức năng miễn dịch và sự phát triển của tế bào, có thể bảo vệ chống lại tình trạng viêm và các tình trạng khác. Bổ sung các thực phẩm như ngao, hàu, thịt đỏ, thịt gia cầm, đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn uống.

4. Bù đủ nước và điện giải: Uống đủ nước, nước bù điện giải, nước hoa quả, nước rau củ… đặc biệt khi có sốt, tiêu chảy. Việc duy trì đủ nước rất quan trọng để giúp cơ thể đào thải độc tố và phục hồi chức năng các cơ quan. Khi uống các loại nước điện giải nên theo hướng dẫn của bác sĩ…

5. Đảm bảo đủ lượng protein: Protein rất cần thiết cho quá trình lành vết thương, tăng cường sức đề kháng và phục hồi, cần cho người bệnh ăn đủ các thức ăn giàu đạm, nhất là các loại thực phẩm giàu protein có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá bông lau, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản đồng thời cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng.

Cách chế biến thức ăn: mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Tốt nhất nên chế biến theo khẩu vị người bệnh. Chú ý không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống. Đối với trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng).

Trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng dễ có nguy cơ cao mắc bệnh sởi kéo dài hoặc phức tạp, thậm chí mắc các bệnh nhiễm trùng thứ phát nghiêm trọng như viêm phổi hoặc viêm não. Những trường hợp này ít gặp ở trẻ khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nếu cần trợ giúp về cách chăm sóc ăn uống cho trẻ bị sởi.

Kim Cúc – Tuấn Anh

comment Bình luận