Cận thị học đường và cách phòng tránh

Cận thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh, người cận thị chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần, khó khăn khi nhìn các vật ở xa.
10:50 | 03/07/2024

Trên cả nước, tỷ lệ cận thị học đường đang ngày một tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và vui chơi của trẻ. Việc giảm tỷ lệ cận thị học đường và có những biện pháp để phòng, tránh cận thị học đường cho trẻ là điều cần quan tâm nhất.

Nguyên nhân gây ra cận thị

Yếu tố gia đình, bố mẹ, anh chị em ruột mắc tật khúc xạ là nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệt cận thị gia tăng ở Việt Nam hiện nay. Cùng với đó là thói quen nhìn gần quá nhiều, làm việc, học tập sai tư thế và với điều kiện ánh sáng kém là những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng cận thị ở Việt Nam ngày càng gia tăng.

Yếu tố hàng đầu hiện nay kiến tình trạng cận thị ở Việt Nam gia tăng là môi trường sống. Ở thời đại công nghệ phát triển, trẻ em được tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử như: Laptop, máy tính bảng, ti vi, điện thoại… có nguồn ánh sáng xanh cực kỳ nguy hiểm, người lớn cũng quen dần với việc lạm dụng chúng hàng ngày khiến cho tình trạng cận thị ở Việt Nam ngày càng gia tăng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Biểu hiện của trẻ khi mắc cận thị

Trẻ em ở lứa tuổi nhỏ thường không hiểu rõ cận thị là gì nên không nói với bố mẹ, đến khi đi khám mắt thì phát hiện trẻ đã cận nặng. Một số trẻ lại có tâm lý sợ hãi nếu bố mẹ biết mình mắc cận thị nên giấu bố mẹ. Vì thế, các bậc cha mẹ cần chú ý, quan tâm đến các biểu hiện của con cái để kịp thời phát hiện cận thị.

Nếu con bạn có những biểu hiện sau hãy đưa trẻ đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mắt để khám và điều trị thích hợp: Nheo mắt hay nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa; hay tiến lại gần khi xem tivi hoặc bảng; đọc sách hay cúi mặt; khi viết, nhiều chữ viết sai, thiếu hoặc phải chép bài của bạn; chớp mắt, dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ; thấy mỏi mắt, nhức mắt, đau đầu khi học bài, đọc sách.

Hậu quả của cận thị

Bệnh cận thị có ảnh hưởng nhiều mặt như: Các em học sinh còn rất bé đã phải đeo cặp kính rất to, nặng. Hạn chế kết quả học tập vì do nhìn mờ chữ, viết chậm hơn so với các bạn cùng lớp, nhanh mỏi mắt. Hạn chế tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế  vui chơi sinh hoạt một số lĩnh vực. Nếu không được đeo kinh chỉnh mắt thì độ cận ngày càng tăng nhiều, có thể dẫn đến biến chứng thoái hóa sắc tố võng mặc, bong võng mạc gây mù lòa.

Cách phòng chăm sóc để bảo vệ đôi mắt

 Bệnh cận thị hoàn toàn có thể phòng được nếu có sự phối hợp tích cực giữa học sinh, gia đình và nhà trường. Sau đây là một số chỉ dẫn cần được tuân thủ trong sinh hoạt và học tập:

Thường xuyên để mắt nghỉ ngơi, cứ 20 phút học nên để mắt trẻ nghỉ ngơi trong 1-2 phút, không để mắt làm việc quá 60 phút. Đảm bảo đủ ánh sáng cho trẻ khi học bài.

Trong thời gian nghỉ ngơi không xem ti vi hay điện thoại.

Thường xuyên tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Điều này không chỉ tốt cho mắt mà còn tăng sức đề kháng ở trẻ.

Khi đi ra ngoài nên che chắn cho mắt để hạn chế ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mắt.

Ăn nhiều thực phẩm tốt cho mắt và thường xuyên bổ sung các vi chất như vitamin A, C, E, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá…, giúp tăng cường sức khỏe mắt, phòng tránh các bệnh về mắt.

Khám mắt định kỳ để kịp thời phát hiện tật khúc xạ ở trẻ.

BS Nguyễn Thị Hiến – CN Thái Tuyền

comment Bình luận