Triệt phá đường dây trộm hàng tỷ đồng bằng máy POS của giám đốc Công ty du lịch

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ nhóm đối tượng người Việt Nam cấu kết với các đối tượng người nước ngoài sử dụng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của chủ thẻ
12:05 | 28/05/2019

Để thực hiện hành vi trên, nhóm đối tượng thông qua các đơn vị chấp nhận thẻ là các doanh nghiệp mà ngân hàng ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ POS, rút tiền về tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, lập khống chứng từ, hợp lý hóa sau đó tiếp tục rút tiền từ ngân hàng. Trong vụ án này, các đối tượng đã rút, chiếm đoạt được tổng số tiền trên 5,4 tỉ đồng từ 2 ngân hàng tại tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ninh.

 Công ty du lịch và thương mại Thiên Cung do đối tượng Nguyễn Đức Đông làm giám đốc

Theo điều tra của lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh, vào tháng 6/2018, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận đơn trình báo của một ngân hàng trên địa bàn TP Hạ Long tố cáo công ty Cổ phần du lịch và thương mại Thiên Cung do Nguyễn Đức Đông làm giám đốc, bằng hình thức thanh toán không dùng thẻ (MOTO) chiếm đoạt 2,7 tỉ đồng thông qua việc thực hiện các giao dịch rút tiền đơn giản.

Theo tài liệu điều tra ban đầu, Đông cùng các đối tượng khác đã thực hiện 38 giao dịch qua dịch vụ thanh toán MOTO, rút chiếm đoạt hơn 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng đã nhanh chóng phát hiện phát hiện và phong tỏa hơn 500 triệu đồng.

Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT Công an Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố đối với 9 bị can, trong đó có Phạm Thị Hương, sinh năm 1971, trú tại Hà Nội; Nguyễn Đức Đông, sinh năm 1971, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch và thương mại quốc tế Thiên Cung và Chan Sok (quốc tịch Campuchia) về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Đối tượng Phạm Thị Hương khai nhận tại cơ quan điều tra: “Thông qua mạng xã hội viber hoặc facebook có quen một số người ở nước ngoài ở Nga và Campuchia, họ có đề nghị tìm những doanh nghiệp có máy POS có chức năng mô tô để họ chuyển thẻ về. Tôi đã giới thiệu cho chủ doanh nghiệp là những khách sạn, nhà hàng mà có cái máy đấy họ dùng máy POS để chạy cái thẻ họ gửi về tỉ lệ ăn chia thì chủ máy được 45%, người môi giới như chúng tôi thì được từ 2 đến 5% còn đâu là chủ thẻ họ được 50 đến 53%”.

Đối tượng Phạm Thị Hương

Cuối năm 2017, sau khi Hương quen với Chan Sok và Tony (quốc tịch Nga) biết về phương thức thủ đoạn sử dụng thông tin thẻ ngân hàng để rút tiền và chiếm đoạt thông qua máy POS tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. Phạm Thị Hương đã bàn bạc với Đoàn Thị Lan Anh (sinh năm 1963) trú tại Vĩnh Phúc, là chủ doanh nghiệp tư nhân để thông qua máy POS của doanh nghiệp này rút 2,7 tỉ đồng từ thẻ ngân hàng do các đối tượng người nước ngoài cung cấp. Hiện Đoàn Thị Lan Anh đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi chiếm đoạt tương tự.

 Đối tượng Nguyễn Đức Đông

Chưa dừng lại ở đó, Hương tiếp tục móc nối với Nguyễn Đức Đông, Giám đốc công ty Thiên Cung và một số đối tượng khác thực hiện 38 giao dịch rút, chiếm đoạt số tiền gần 2,7 tỉ đồng của các chủ thẻ Visa, MastercCard người nước ngoài thông qua máy POS của công ty Thiên Cung. Để hợp lý hóa hành vi rút tiền, Đông và Hương đã thỏa thuận lập khống hợp đồng kinh tế mua bán hàng hóa, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Sau đó, 35% được chuyển cho các đối tượng ở nước ngoài, 65% còn lại bọn chúng chia nhau hưởng lợi.

 Đối tượng Chan Sok

Đối tượng ChanSok khai nhận tại cơ quan chức năng: Tuy là người Campuchia nhưng có thời gian học tập và sinh sống tại Việt Nam từ lâu, thường xuyên đi lại giữa hai nước. Chan Sok có mối quan hệ với các đối tượng là chủ quán bar ở những khu vui chơi dành cho người nước ngoài. Tại đó chủ quán bar này đã thu thập, lưu giữ thông tin về thẻ ngân hàng mà khách du lịch trong quá trình thanh toán tại quán bar cung cấp cho Chan Sok. Sau đó, Chan Sok sang Việt Nam cùng các đối tượng người Việt Nam rút chiếm đoạt tiền. 

2 thủ đoạn chính của nhóm đối tượng này chính là các doanh nghiệp đăng ký nhiều máy POS nhưng chỉ đứng tên pháp nhân doanh nghiệp 1 máy, số còn lại đứng tên cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế dòng tiền khách hàng thanh toán chủ yếu qua các tài khoản cá nhân, dẫn đến việc trốn thuế. Thủ đoạn này chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp người Trung Quốc móc nối với người Việt Nam đầu tư chui và mục đích là trốn thuế.

Phương thức thứ 2 là các đối tượng có nguồn thẻ từ nước ngoài, chủ yếu là thẻ ăn cắp tìm cách móc nối tới các doanh nghiệp, cá nhân có dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ qua máy POS để lập hợp đồng kinh tế khống với mục đích rút tiền chiếm đoạt.

[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/05/28/An ninh toan canh_CNghe cao.mp4[/presscloud]

Theo Trung tá Bùi Duy Hưng – Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh: Các ngân hàng cần phải có quy định chặt chẽ hơn trong vấn đề đăng ký, cấp phép, quản lý thông tin đối với các tổ chức cá nhân đăng ký sử dụng hình thức thanh toán chấp nhận thẻ qua máy POS. Cần có sự phối hợp kịp thời giữa cơ quan cấp phép và cơ quan quản lý, cụ thể là cơ quan thuế, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp cá nhân có sử dụng dịch vụ qua máy POS phát hiện kịp thời những dấu hiệu lợi dụng hoạt động này để trốn thuế, trao đổi kịp thời cho cơ quan Công an để đấu tranh xử lý. Ngân hàng nhà nước cần phải có chế tài cụ thể hơn đối với hành vi lợi dụng hoạt động chấp nhận thanh toán thẻ qua máy POS. Hiện tại nghị định số 96 năm 2014 của Chính phủ quy định chưa rõ ràng đối với chế tài trong việc xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán thẻ qua máy POS.

Hiện Cơ quan Công an đã tạm giữ nhiều điện thoại di động, máy tính xách tay, hóa đơn rút tiền từ liên quan đến 38 giao dịch gian lận tại Công ty Thiên Cung, hơn 43.000 USD và nhiều tài liệu, chứng cứ khác, đồng thời tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can cùng các đối tượng liên quan.
Hồng Nhung
comment Bình luận