TP.HCM: F5 cũng dương tính, người dân hết sức cảnh giác

Theo BS Trương Hữu Khanh, Chuyên gia dịch tễ học Bệnh viện Nhi đồng 1: "Khi nghe chuỗi lây nhiễm đã đến F5 thì cộng đồng càng phải cảnh giác, nâng cao biện pháp phòng ngừa dịch bệnh".
15:31 | 08/06/2021

Sáng ngày 8/6, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết thành phố ghi nhận thêm 15 ca nhiễm COVID-19 mới. Trong đó, 10 ca liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng, một ca F5. Không ít người hoang mang sau khi nhận được thông báo trên vì từ trước đến giờ chỉ quen với F1, F2, F3, F4 chưa từng có F5.

Đối với trường hợp này, BS Khanh cho rằng, khi nói đến F5 tức là cơ quan y tế đã điều tra được quá trình tiếp xúc của người này khi truy ngược lại lịch sử tiếp xúc của họ. Cụ thể, F5 dương tính khi có F4, F3, F2, F1 dương tính do tiếp xúc với một ca mắc COVID-19 (F0) trước đó. Nguyên nhân F5 dương tính do ổ dịch phát hiện muộn, đi xa tầm truy vết, chậm hơn so với sự lây lan của virus. Các biến chủng virus mới được biết có khả năng lây lan nhanh, người ủ bệnh 2 ngày đã có thể lây bệnh nên F0 ở ngoài càng lâu thì khả năng lây cho F1 và tiếp tục chuỗi lây nhiễm đến F5 cũng là dễ hiểu.

Tuy nhiên, cần phân biệt nếu F5 nằm trong khu phong tỏa thì không đáng lo. Những người trong khu phong tỏa nên thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế vì có thể sẽ mở rộng lấy thêm mẫu xét nghiệm.

"Người nào đã đến khu phong tỏa nên tự đánh giá thời gian mình đến đó có nguy cơ bị virus tấn công không, vì lây nhiễm đến F5 thì virus đã ở đó đủ lâu rồi, nên khai báo y tế trung thực” - BS Khanh lưu ý.

Còn trường hợp F5 không nằm trong khu phong tỏa nhưng sau khi phát hiện một F0 bên ngoài và truy ngược lại thì thấy người nhiễm nằm trong chuỗi F4, 3, 2, 1, 0 thì khá đáng lo ngại nhưng vẫn còn may mắn. Lý do là điều này cho biết những F4, 3, 2, 1 đã là cầu nối đưa virus tỏa đi nhiều hướng chứ không phải là ca nhiễm không rõ nguồn gốc.

Vì thế, BS Khanh khuyến cáo mỗi người dân nên kiểm lại mình đã đi đâu, đến đâu, có lúc nào đến nơi nguy cơ mà không thực hiện nguyên tắc 5K không. "Nếu có nên theo dõi sức khỏe và tiếp tục 5K, theo dõi thông tin từ ngành y tế và hợp tác nếu bản thân nằm trong chuỗi cần cách ly. Nếu một người khỏe mạnh lâu nay ít bệnh mà mắc bệnh về đường hô hấp thì nên tìm đến nơi có khả năng chẩn đoán COVID-19 gần nhất càng sớm càng tốt. Nếu trong nhà có từ 2 người bệnh hô hấp trở lên cũng nên làm như vậy. Người nào mắc bệnh hô hấp cấp mà lo lắng về dịch tễ thì cũng làm tương tự” - BS Khanh lưu ý.

Gần 2 năm qua, đại dịch không chỉ cướp đi quá nhiều sinh mạng vô tội, đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội... Khi dịch kéo dài dai dẳng, nhiều người không dám tưởng tượng hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào.

Mỗi chúng ta cần nhận thức rõ: từng cá nhân, tổ chức vững vàng duy trì được sinh kế và đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình thì mới có thể giải tỏa bớt gánh nặng cho Nhà nước. Rất có thể, ngày mai hay tuần sau phát sinh một ổ bệnh hay một địa phương bị phong tỏa cũng không có nghĩa là cả khu vực sẽ "thất thủ". Thái độ tích cực trong "tâm bão" chính là phản ứng tốt nhất, từ đó mới có thể cùng nhau nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Có nhiều biện pháp chúng ta có thể làm

Trước hết, tất cả những người hiện đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, phải tự giác tuân thủ triệt để các quy định, yêu cầu, hướng dẫn phòng chống dịch của Chính phủ và chính quyền địa phương, các cơ quan y tế đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Việc thực hiện giãn cách, phong tỏa, khoanh vùng dập dịch là để hạn chế lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, mỗi người dân cần nghiêm túc hợp tác, tuân thủ.

Tuy nhiên, quyết định phong tỏa cần thận trọng và cân nhắc, dựa trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Mỗi công dân Việt Nam, hãy tham gia chia sẻ, đóng góp vào các quỹ hỗ trợ hoạt động phòng chống COVID-19, quỹ vắc xin phòng COVID-19... của trung ương và địa phương và các hội đoàn trong khả năng của mình nhằm chia sẻ một phần gánh nặng cho ngân sách vốn đã có quá nhiều khoản phải đảm đương kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Tin rằng khi Chính phủ hỗ trợ về chính sách, cơ chế và toàn dân đồng lòng chống dịch thì nhất định thắng lợi.

comment Bình luận