Tiết kiệm điện là tiết kiệm tiền

Tiết kiệm điện - Khái niệm này không còn là câu khẩu hiệu mà đã trở thành ý thức của người dân trong việc sử dụng điện các thiết bị điện trong gia đình.
11:03 | 29/11/2019
Hô hào cả nhà cùng tiết kiệm
 
Chị Thanh Thảo nhà ở phường 6, quận 3 cho biết, chị đã vận động mọi người trong gia đình sử dụng các thiết bị điện đúng  với phương châm: dùng đủ, đúng nhu cầu chứ không dùng thả ga như trước nữa. 
 
Trước đây tiền điện trung bình một tháng nhà chị khoảng 1,6 – 1,8 triệu đồng, tuy nhiên đến tháng 04 nhà chị đã tăng vọt lên 2,8 triệu đồng. Lúc mới nhận thông báo, tưởng điện lực tính nhầm nên chị có điện thoại lên thắc mắc “sau khi nghe giải thích, tôi mới thấy đúng là nhà mình đã sử dụng điện thả ga quá”, chị vừa cười vừa chia sẻ.
 
Cụ thể, lượng điện tiêu thụ tháng trước nhà chị Thảo là 637kWh, nhưng tới tháng 04 là 978kWh. Chị đã yêu cầu điện lực xuống kiểm tra lại đồng hồ và hệ thống đường dây điện vì sợ bị rò rỉ hay đồng hồ chạy nhanh. Nhưng khi kiểm tra đã không thấy có dấu hiệu các dấu hiệu này. Điện lực cũng đã khảo sát việc sử dụng các thiết bị điện trong gia đình, kết quả cho thấy việc lượng điện năng tăng lên chủ yếu là do gia đình chị sử dụng điều hòa nhiều hơn trong mùa nắng nóng. “Giờ gia đình tôi đã thống nhất, sẽ dùng điện tiết kiệm lại để giảm chi phí cho khoản này”, chị Thảo khẳng định. 
 
Chị Thảo cũng đã yêu cầu điện lực tính thử số tiền điện theo giá cũ để so sánh với giá mới, kết quả với 978kWh điện mà nhà chị tiêu thụ tính theo giá cũ thì số tiền chị phải trả là 2.350.220 đồng, còn theo giá mới mà chị đã trả là 2.574.855 đồng (chưa có VAT). Như vậy, khoản tiền chênh lệch do giá điện tăng là 224.635 đồng.
 
Điều hòa – “thủ phạm” làm tăng tiền điện
 
Trường hợp nhà chị Thảo là một ví dụ, bước vào những ngày nắng nóng, cả 03 máy điều hòa cùng hoạt động hết công suất vào buổi tối. Trước kia trời mát, nhà chị chỉ mở đến 1-2 giờ sáng rồi tắt. Bước vào mùa nắng nóng, điều hòa thường bật cả đêm. “Trước đây nhà tôi chỉ cài nhiệt độ ở chế độ 25-26 độ C là mát, nhưng vào mùa nóng phải để xuống 18 – 20 độ C” chị chia sẻ thêm.
 
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, thành phố đã bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 40 độ C. Do vậy nhu cầu tiêu thụ điện cho các thiết bị giải nhiệt, đặc biệt là máy lạnh tăng cao. Theo thống kê, chỉ 12/04/2019 đến 18/04/2019, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã cung cấp cho Thành phố 569 triệu kWh, với sản lượng bình quân ngày đạt 81,3 triệu kWh (có ngày đỉnh điểm lên tới hơn 90 triệu kWh/ngày) và công suất cao nhất là 4.455 MW.
 
Cũng theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt, điện năng tiêu thụ trong những tháng hè thường cao hơn các tháng khác khoảng 20-50% trong đó, điều hòa chiếm 28-64%. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao thì điều hòa sẽ càng tốn điện. Cụ thể, nếu nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì điều hòa sẽ ngốn thêm 2-3% điện năng và nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng thấp xuống 1 độ C, tiêu thụ điện năng sẽ tăng 1,5-3%. 
 
Bên cạnh đó, việc sử dụng các thiết bị điện theo thói quen hiện nay tắt các thiết bị nàymà không rút phích ra khỏi nguồn hoặc cúp CB riêng thì vẫn bị tiêu tốn một lượng điện năng nhất định. Đơn cử máy điều hòa nếu không cúp hẳn CB sẽ tốn 8-20 Wh, tương đương một bóng đèn LED. Do đó nếu không dùng các thiết bị điện trong thời gian dài, người dân nên ngắt hẳn nguồn điện.
 
Tiết kiệm điện để tiết kiệm tiền
 
Chi phí cho tiền điện sẽ tăng cao nếu như người dân không tạo thói quen kiểm soát việc sử dụng các thiết bị điện, nhất là máy điều hòa nhiệt độ trong mùa nắng nóng như thời điểm hiện nay.
 
Đối với việc sử dụng điều hòa hiệu quả, EVNHCMC khuyến khích mọi người nên cài nhiệt độ hợp lý như: ban ngày để từ 26 độ C, ban đêm nên để điều hòa ở nhiệt 27 độ C và kết hợp với quạt gió để tiết kiệm điện. Khi mới khởi động máy điều hòa, nên đặt ở nhiệt độ 26 độ C như bình thường, sau đó khởi động chế độ làm lạnh nhanh, không nên mở ở nhiệt độ thấp nhất rồi tăng lên như thói quen hiện nay, điều này làm tiêu tốn nhiều điện năng do máy phải hoạt động hết công suất cho tới khi nhiệt độ phòng đạt đến mức thấp nhất thì mới dừng lại.
 
 
Khi không sử dụng trong thời gian dài trong ngày, mọi người nên cúp hẳn CB (tắt cả nguồn) vì nếu chỉ tắt bằng điều khiển từ xa thì hệ thống máy điều hòa vẫn tiêu thụ điện ngầm. Máy điều hòa cũng cần được vệ sinh định kỳ 06 tháng/lần để ngăn chặn sự bám bụi trên tấm lưới lọc khí, làm cho máy điều hòa hoạt động hiệu quả hơn. 
 
Theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11 tháng 3 năm 2019 của Bộ Công Thương về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12 tháng 9 năm 2017 đã gỡ rối cho ngành điện về việc mua lại điện mặt trời áp mái cho các chủ đầu tư. Theo đó, giá bán điện của hộ dân, gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho ngành điện được tính bằng Việt Nam đồng cụ thể như sau: đối với các dự án vận hành thương mại trước ngày 1-1-2018 là 2.086 đồng/kWh. Dự án vận hành thương mại từ 1-1-2018 đến 31-12-2018 có giá mua điện là 2.096 đồng/kWh và vận hành từ 1-1-2019 đến 31-12-2019 có giá mua điện là 2.134 đồng/kWh (Giá mua điện này chưa tính thuế GTGT). Từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện vẫn tính là 9,35 cent/kWh và được xác định từng năm dựa theo tỉ giá trung tâm của đồng VN với đôla Mỹ. Mức giá này nằm giữa khung bậc 3 và 4 giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thang giá 6 bậc của ngành điện. Các dự án ĐNLMT sẽ được thực hiện theo cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ mua bán điện hai chiều.
 
Hiện nay, EVNHCMC đã triển khai ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, việc thanh toán tiền điện dư mà khách hàng bán lên lưới thông qua đồng hồ đo đếm hai chiều được thực hiện hàng năm bằng hình thức chuyển khoản cho khách hàng. Với giá bán của bộ hệ thống năng lượng áp mà mà các nhà cung cấp đang bán trên thì trường hiện nay thì vấn đề chi phí đầu tư không còn là mối lo ngại cho khách hàng nữa. Do vậy, EVNHCMC khuyến khích khách hàng nên lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, đây cũng là một giải pháp giải quyết vấn đề “phi mã” của hóa đơn tiền điện, nhất là đối với các hộ kinh doanh, sna3 xuất.
 
Hương Trang

comment Bình luận