Những điều kiêng kỵ trong ngày đầu năm mới

Theo TS Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ UIA cho biết, Tết truyền thống của người Việt là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm và có rất nhiều phong tục, điều kiêng kỵ để mọi việc luôn suôn sẻ, may mắn trong năm mới.
16:26 | 30/01/2019

Theo TS Vũ Thế Khanh tục lệ kiêng kỵ trong dịp tết cổ truyền có nhiều điều , tùy theo phong tục tập quán từng địa phương, tùy dân tộc, tùy tín ngưỡng tôn giáo, tùy vùng miền và tùy theo gia phong của mỗi dòng họ.

Có những thứ nghi lễ đặt ra cho thêm phần long trọng mang tính nhân văn truyền thống, có những thứ kiêng kỵ do kinh nghiệm, tuy nhiên có những thứ kiêng kỵ sa đà vào mê tín, trở thành hủ tục do trình độ văn hóa chưa được cải thiện.

\"\"

Ví dụ như ngày 1 không được quét nhà (vì coi rác nhà là “lộc”, nếu quét sạch đi thì mất “lộc”: đây là điều mê mờ, bởi vì “lộc” phải là những thứ thanh tịnh, mới mẻ, sạch sẽ, thơm tho và phải “dùng được” chứ lộc đâu phải là đồ rác rưởi bỏ đi

Nhiều nơi còn không dám tỉa cả chân hương khi bát hương đã đầy: lưu ý rằng khi thắp hương, phần có mùi thơm đã cháy hết, còn chân hương là rác, giống như bông hoa đã tàn thì cái cuống hoa là rác, phải bỏ đi. Nếu để chân hương quá nhiều thì sinh bụi bặm, không khí ô nhiễm, người nhà hay bị bệnh mũi hoặc bệnh đường hô hấp.

Nhiều người còn kiêng không được cho hàng xóm xin lửa, vì nghĩ rằng “lửa” là đỏ đắn, may mắn, cho đi là “mất cơ hội”… Những ý nghĩa của tục lệ kiêng kỵ này xuất phát từ sự mê tín, ích kỷ, trái hẳn với tinh thần nhân văn “lá lành đùm lá rách, tối lửa tắt đèn có nhau”…

Có những việc kiêng kỵ mang tính lành mạnh như cùng nhau làm những điều lành, tránh xa điều ác, không đánh chửi nhau, không cãi cọ nhau, không nói lời hiểm độc sâu cay, thậm chí hôm trước còn giận nhau thì hôm tết lại xóa bỏ hận thù và niềm nở chúc lành cho nhau…

Trong ngày tết, mọi hành vi phải cẩn thận, khéo léo, tránh “ăn đổ làm vỡ”. Con cháu nhân dịp đầu năm thường phải thực hành nghi lễ báo hiếu như cúng tế, mừng thọ, đền ơn đáp nghĩa uống nước nhớ nguồn…

Ngày tết người ta còn có tục lệ tìm người “hợp tuổi” để nhờ xông đất, mở hàng, hoặc mong được người tuổi cao đức trọng chúc phúc, được lì xì (mừng tuổi) để được may mắn, lấy khước.. , âu cũng là tục lệ vui vẻ, nhằm tăng cường mối giao hảo trong cộng đồng, chủ yếu là liệu pháp tâm lý, và chẳng có hại gì.

Trước quan niệm chung của nhiều người cho rằng không được ăn thịt chó, thịt vịt, mực hay xôi trắng vào ngày mùng 1 vì nếu ăn những món ăn này thì họ sẽ gặp những điều không may mắn... TS Khanh cho biết, các món ăn này tuy nhiều đạm, nhiều năng lương, nhưng cái gì cũng có 2 mặt, cái gì đen đủi, xui xẻo thì người ta thường kiêng vào đầu năm: “Đen như chó, đen như mực, dốt như vịt …”, do vậy các món ăn này cũng được kiêng kỵ vào đầu năm.

Ngoài ra, người ta cũng có nhiều món kiêng nữa: như không ăn ốc vì sợ “ăn ốc nói mò”, không ăn ba ba hay rùa vì sợ “chậm như rùa”, hoặc kiêng ăn lươn vì sợ “thói đời lươn lẹo”, đi thi, đi ký hợp đồng làm ăn kiêng ăn chuối vì sợ “trượt vỏ chuối”, …

Ngày tết, người ta thường làm các thứ có màu đỏ (tượng trưng cho sự may mắn, đỏ đắn, rực rỡ, mang yếu tố tích cực) như xôi gấc màu đỏ, rượu đỏ, dưa đỏ, đu đủ đỏ, thanh long đỏ…, kiêng các món ăn có ý nghĩa xui xẻo, có ý nghĩa tiêu cực, ảm đạm.

Người tu theo đạo Phật thì lại càng nhân dịp này mà giáo hóa, tạo duyên, phóng sinh làm phước, tránh được việc sát sinh.

Việc kiêng các món ăn ngày tết thực ra mang nhiều ý nghĩa về phong tục, tập quán, còn về chất lượng các món ăn thì tùy theo thể trạng riêng của mối người, nếu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thì không chỉ ngày tết, mà vào bất kỳ lúc nào cũng phải kiêng, ví dụ như các món ăn kiêng co người bị bệnh tiểu đường, bệnh gút, huyết áp…

Ngày tết, nên ăn vừa đủ, ăn những thứ phù hợp với trạng thái sức khỏe, tránh ăn nhiều thứ quá, cơ thể không hấp thụ hết được sẽ dẫn đến “bội thực”, tiểu đường, béo phì, gút…

Cũng theo TS Vũ Thế Khanh tùy dáng vóc cơ thể từng người và tùy theo thời tiết. Nhưng nhìn chung, trang phục cũng nghiêng sang màu đỏ hoặc màu rực rỡ (trong hội họa gọi là “màu ấm nóng”) để tăng thêm sự hưng phấn, tạo khí thế tích cực trong ngày đầu năm, lại phù hợp với thời tiết lập xuân

Trẻ em thường mặc màu hồng cho trẻ trung, các cụ già thường mặc màu đỏ cho long trọng, không nên mặc những “màu lạnh” như màu đen, màu xám hoặc nhưng màu tạo cảm giác thê lương, tang tóc.

Nhiều người còn đưa ra cái lý thuyết mặc theo “ngũ hành” ứng với năm đó. Tuy nhiên thuyết “Ngũ hành” thực sự không phải là chân lý trong thời đại khoa học, nó còn nhiều hạn chế về thế giới quan trong việc nhận thức về vũ trụ, cho nên thuyết này dễ bị tư duy máy móc “huyền bí hóa” các hiện tượng thiên nhiên, dễ rơi vào mê tín dị đoan, thiếu cơ sở khách quan khoa học. Ví dụ trong thuyết Ngũ hành cho rằng “Thủy là màu đen”, chả lẽ ngày tết những người mệnh Thủy phải mặc màu Đen cho hợp Ngũ hành hay sao?

Cũng theo TS Vũ Thế Khanh nhiều điều kiêng kỵ mà trong cuộc sống hiện đại ngày nay không còn phù hợp nữa như sợ ra ngõ gặp gái, kiêng hướng xuất hành, kiêng thăm gái đẻ, kiêng ăn cơm 2 nồi trong một bữa, kiêng cho xin lửa, kiêng quét nhà.

comment Bình luận