Nguy cơ mất an ninh y tế nhìn từ việc doanh nghiệp nước ngoài ‘bơm vốn’ vào Pharmacity

Khi các nhà cung cấp nước ngoài chiếm lĩnh độc quyền thị trường và có thể ngừng cung cấp thuốc bất cứ lúc nào, để o ép giá thuốc với bệnh viện và các đơn vị sử dụng thuốc, như đã từng xảy ra trước đây khi họ ngừng cung cấp vắc xin tiêm chủng cho trẻ em mà không báo trước, khiến giá vắc xin trên thị trường tăng đột biến (gấp 4 lần).
14:02 | 09/07/2020

Từ 150 cửa hàng vào cuối năm 2018, Pharmacity đến nay đã có 326 cửa hàng ở nhiều tỉnh thành.

Bảo đảm an ninh y tế

Tại điểm c, khoản 10, Điều 91, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược năm 2016 (có hiệu lực từ 01/7/2017) quy định các các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có quyền nhập khẩunhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam; không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, trong đó bao gồm hoạt động vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cục Quản lý dược cho rằng, việc ngừng cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cung cấp dịch vụ bảo quản, vận chuyển thuốc là nhằm ngăn chặn hoạt động phân phối thuốc trá hình tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh y tế và hướng tới chuyên nghiệp hóa hệ thống phân phối thuốc tại Việt Nam.

Nghị định 54 không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được vận chuyển và nhận bảo quản thuốc, trừ thuốc do chính doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu. Việt Nam đã bảo lưu không cam kết mở cửa thị trường dịch vụ phân phối thuốc và cũng chưa cam kết mở cửa thị trường dịch vụ phân phối thuốc trong bất cứ khuôn khổ hiệp định thương mại hoặc điều ước quốc tế nào tính đến thời điểm hiện tại, vì lĩnh vực dược là lĩnh vực nhạy cảm, trực tiếp liên quan đến tiếp cận thuốc và sức khỏe nhân dân.

Theo Cục Quản lý dược, việc bảo lưu này trước hết là nhằm các mục tiêu bảo đảm bảo an ninh y tế, chủ động trong việc cung ứng và phân phối thuốc, hướng tới chuyên nghiệp hóa hệ thống phân phối thuốc trong nước làm nền tảng hỗ trợ cho phát triển công nghiệp dược nội địa, đồng thời kiểm soát được tốt hơn về giá cả. Hiện nay, một số lĩnh vực thị trường bán lẻ đang bị chi phối bởi tập đoàn nước ngoài, ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi người dân và doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.

Theo nhận định của Cục Quản lý dược, khi hệ thống phân phối thuốc tích hợp trong hệ thống bảo quản, vận chuyển (logistics) thuốc của nước ngoài được hình thành một cách chặt chẽ, khép kín từ nhà cung cấp đến từng bệnh viện thì mức độ phụ thuộc vào nước ngoài của chúng ta càng tăng cao, từng bước có thể dẫn đến nguy cơ mất an ninh y tế, khi các nhà cung cấp nước ngoài chiếm lĩnh độc quyền thị trường và có thể ngừng cung cấp thuốc bất cứ lúc nào, để o ép giá thuốc với bệnh viện và các đơn vị sử dụng thuốc, như đã từng xảy ra trước đây khi họ ngừng cung cấp vắc xin tiêm chủng cho trẻ em mà không báo trước, khiến giá vắc xin trên thị trường tăng đột biến (gấp 4 lần).

Cục Quản lý dược cũng cho biết, hiện tại, 100% doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu thuốc của Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu về kho GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc) và đang sẵn sàng nỗ lực để hoàn thiện, cung ứng dịch vụ bảo quản, vận chuyển, phân phối thuốc một cách chuyên nghiệp.

Phacmarcity có ‘xé rào’ Luật Dược?

Được thành lập vào tháng 11/2011, Pharmacity là một trong những chuỗi nhà thuốc bán lẻ hiện đại và có quy mô lớn tại thị trường Việt Nam. Hệ thống phân phối của chuỗi này mở rộng nhanh trong năm 2019 vừa qua. Từ 150 cửa hàng vào cuối năm 2018, Pharmacity đến nay đã có 326 cửa hàng ở nhiều tỉnh thành.

Tuy nhiên, tham vọng của chuỗi bán lẻ dược phẩm này còn lớn hơn với mục tiêu mở mới 350 cửa hàng trong năm 2020 và đạt con số 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021. Bên cạnh hệ thống cửa hàng, giao dịch trực tuyến cũng là điểm mạnh của chuỗi này. Người mua hàng hiện đã có thể đặt hàng qua điện thoại/ website và được giao tận nơi dù hiện mới áp dụng tại TP. HCM.

Việc các quỹ, nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào hệ thống phân phối dược phẩm Pharmacity liệu có ảnh hưởng đến vấn đề “an ninh y tế” của nước ta?

Như đã nói ở trên, Luật Dược năm 2016 không cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phân phối, vận chuyển, bảo quản dược phẩm, nguyên liệu làm thuốc nhưng không hiểu vì sao, trong thời gian gần đây, Pharmacity liên tục được các quỹ, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài “bơm” vốn và “thâu tóm” cổ phần.

Cụ thể, vào tháng 05/2019, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Mekong Capital vừa công bố Quỹ Mekong Enterprise Fund III đã hỗ trợ tài chính cho Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity.

Enterprise Fund III thành lập vào năm 2001, Mekong Capital là công ty quản lý quỹ đầu tư với bề dày thành tích sâu rộng nhất về vốn cổ phần chưa niêm yết tại Việt Nam.

Các công ty thuộc danh mục đầu tư của Mekong Capital đều nằm trong số những công ty phát triển nhanh nhất và dẫn đầu thị trường trong các ngành thúc đẩy tiêu dùng tại Việt Nam như bán lẻ, nhà hàng, hàng tiêu dùng, phân phối.

Ông Chris Freund, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Mekong Capital từng phát biểu rằng việc gỡ bỏ giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư ngoại thật sự là tin tốt đối với MEF III để giúp quỹ này đầu tư sâu rộng vào các lĩnh vực tiêu dùng như bán lẻ, nhà hàng, tiêu dùng nhanh (FMCG) và dịch vụ khách hàng.

Được biết, trong năm 2019, Pharmacity đã huy động được 150 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 2 năm từ 3 đợt phát hành.

Cả 3 lô trái phiếu đều có mục đích sử dụng vốn là mở rộng mạng lưới bán lẻ. Trong đó, các lô phát hành vào tháng 10 và 11 được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán SSI, có mức lãi suất là 13%/năm. Trái chủ là các nhà đầu tư cá nhân trong nước và nước ngoài.

Vào tháng 2/2020, truyền thông trong nước cho biết Pharmacity đã gọi vốn thành công gần 31,8 triệu USD (tương đương 730 tỷ đồng), vòng series C và đặt mục tiêu mở mới 350 cửa hàng trong năm nay.

Vòng series C, có nghĩa là nhiều khả năng Pharmacity đã tiến hành nhiều đợt gọi vốn trước đó. Diễn biến này có thể khiến tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập giảm mạnh, và các nhà đầu tư đang có tiếng nói không nhỏ ở Pharmacity, mà trong đó không loại trừ có các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại ngày 20/6/2014, Pharmacity có quy mô vốn 20,86 tỷ đồng, với 5 cổ đông cá nhân.

Trong đó, bà Phạm Thị Thanh Hoài sở hữu 87,52% vốn điều lệ, đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. Dù cơ cấu cổ đông của Pharmacity có nhiều biến động sau đó nhưng nữ doanh nhân sinh năm 1987 hiện vẫn đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT của Pharmacity.

Ngoài Pharmacity, bà Phạm Thị Thanh Hoài còn nắm giữ cổ phần tại CTCP TR Infinity Pharma và CTCP TR Pharma Focus. Đây là 2 pháp nhân mới được thành lập vào tháng 11/2019, do bà Trần Minh Ngọc Thu (SN 1984) nắm cổ phần chi phối, đồng thời đảm nhiệm chức vụ giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Tuy nhiên, ngày 06/3/2020, bà Thu đã thế chấp lượng lớn cổ phần TR Infinity Pharma cho TR Best Pharma Pte. Ltd - một pháp nhân có địa chỉ tại Singapore. Tương tự, bà Phạm Thị Thanh Hoài ngày 13/3 đã thế chấp một lượng cổ phần CTCP TR Infinity Pharma và CTCP TR Pharma Focus cho TR Best Pharma Pte. Ltd.

Việc các quỹ, nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào hệ thống phân phối dược phẩm Pharmacity liệu có ảnh hưởng đến vấn đề “an ninh y tế” của nước ta? Có hay không việc Pharmacity “xé rào” quy định tại khoản 10, Điều 91, Nghị định số 54 về việc không cho phép doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia vào hệ thống phân phối dược phẩm? Thiết nghĩ, Thanh tra Bộ Y tế cần sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ việc gọi vốn nước ngoài đầu tư vào hệ thống phân phối dược phẩm của Pharmacity có trái, vi phạm quy định của pháp luật hiện nay?

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin.

comment Bình luận