Mang lại nụ cười cho bé trai 2 tuổi bị bướu dị dạng mạch máu môi dưới

Bé trai 2 tuổi ở Bình Thuận mắc hội chứng bướu dị dạng ở môi dưới khiến miệng của em chẳng thể nào khép lại, vừa gây mất thẩm mỹ, vừa khó khăn trong việc ăn uống.
7:54 | 30/05/2019
Mới đây báo Phụ nữ Việt Nam đưa tin trường hợp bé trai N.V.A, ngụ tại Bình Thuận bị bướu dị dạng mạch máu môi dưới. Căn bệnh này khiến cho phần môi dưới của em dài hơn so với người bình thường, các mạch máu bên trong lộ ra thâm tím. Miệng của em gần như chẳng thể khép kín được, rất khó khăn trong việc ăn uống. 
 
Ths BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, bé A. bị bướu dị dạng mạch máu. Đây là 1 dị dạng bẩm sinh có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
 
Bé V.A trước và sau khi phẫu thuật. Ảnh: PNVN
 
Đối với trường hợp bé N.V.A, bác sĩ Trần Thanh Vỹ nhận định bé bị bướu dị dạng mạch máu ở phần môi dưới bẩm sinh cản trở rất lớn trong việc ăn uống. Đó là chưa kể dị tật khiến gương mặt em biến dạng, vô cùng mất thẩm mỹ.

Qua thăm khám, các bác sĩ khoa Lồng ngực Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM đã quyết định sử dụng biện pháp như gây xơ bướu bằng Ethanol đậm đặc, phẫu thuật cắt bỏ và tạo hình môi cho bé.

Ca phẫu thuật diễn ra thành công. Phần môi dưới của bé đã trở lại bình thường. Giờ đây, bé có thể cười tươi cũng như ăn uống bình thường như bao đứa trẻ khác.

Trong giai đoạn bào thai, cơ thể có hệ thống mạch máu nguyên thủy. Khi phôi thai phát triển, các mạch máu nguyên thủy không còn đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể nên bị tiêu hủy đi và được thay thế bằng hệ thống mạch máu mới. Thế nhưng có thể vì nguyên nhân nào đó mà mạch máu nguyên thủy không bị tiêu hủy như cơ chế thông thường khiến đứa trẻ chào đời bệnh dị dạng mạch máu. Từ đó hình thành bướu dị dạng mạch máu ở trẻ.
 
Dị dạng mạch máu bao gồm các dạng: Dị dạng tĩnh mạch, dị dạng động - tĩnh mạch, dị dạng bạch mạch hay phối hợp.
 
Hình ảnh dị dạng mạch máu ở một số vị trí khác trên cơ thể
 
Trước đây bệnh thường được chỉ định phẫu thuật. Bác sĩ cắt bỏ nhiều động mạch nuôi khối dị dạng với hy vọng làm giảm nguồn máu nuôi sẽ làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, phương pháp này được đánh giá là không thực sự hiệu quả bởi trong một số trường hợp ví dụ như dị dạng động - tĩnh mạch phẫu thuật có thể làm sinh ra thêm nhiều mạch máu mới khiến cho tình trạng bệnh ngày càng xấu hơn.
 
Do đó, ngày nay y học đã có thể chữa trị triệt để bướu dị dạng mạch máu bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Theo đó các bác sĩ sử dụng loại thuốc triệt tiêu các mạch máu bị dị dạng mà vẫn bảo tồn các mạch máu bình thường. Phương pháp này được đánh giá mang lại hiệu quả cao, tỷ lệ tái phát rất thấp.
 
Cần phân biệt dị dạng mạch máu với bệnh bướu máu ở trẻ sơ sinh: Bướu máu sơ sinh là một bệnh lành tính thường gặp. Bệnh thường xuất hiện khoảng 2 tuần sau sinh, phát triển nhanh trong 9 tháng đầu. Từ tháng thứ 9 đến tháng 12 bệnh ngưng phát triển rồi thoái triển nhỏ dần. 95% trường hợp trẻ đến 4-5 tuổi, thương tổn này sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.

Một số trường hợp hiếm, bướu máu gây nên những vấn đề nghiêm trọng mới cần được giải quyết như tình trạng xuất huyết, nhiễm trùng, tắc nghẽn đường thở, xuất huyết giảm tiểu cầu hoặc suy tim cung lượng cao. Tùy theo loại bướu máu mà có các phương pháp điều trị khác nhau.

Hà Ly (Th)
comment Bình luận