Không lập biên bản, Cảnh sát giao thông có được tạm giữ phương tiện không?

Tôi năm nay 24 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mấy ngày trước, tôi có bị Cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt vi phạm hành chính mà không có biên bản. Như vậy có là trái luật không? Anh V.H. có hỏi.
13:58 | 19/11/2020

Căn cứ Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, CSGT được xử phạt hành chính trực tiếp mà không cần lập biên bản trong trường hợp sau:

Điều 56. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Như vậy, trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng với cá nhân, 500.000 đồng với tổ chức thì CSGT được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ mà không cần lập biên bản.

Đồng nghĩa với đó, nếu hành vi vi phạm không thuộc trường hợp trên, CSGT phải tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lưu ý, nếu phát hiện vi phạm giao thông nhờ dùng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì CSGT phải lập biên bản mà không cần quan tâm đến mức phạt.

Theo khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Người lái xe vi phạm an toàn giao thông không chỉ bị phạt tiền mà còn có thể bị tạm giữ phương tiện để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm trong một số trường hợp: Lái xe trên đường mà nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt mức quy định; chạy xe máy quá tốc độ trên 20 km/h; điều khiển xe ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc…

Theo đó, CSGT được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, việc tạm giữ phương tiện cần đảm bảo thực hiện đúng thủ tục được quy định tại khoản 9 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 theo đó mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản.

Do đó, mọi trường hợp tạm giữ phương tiện đều phải lập biên bản. Đồng nghĩa rằng, CSGT bắt buộc phải lập biên bản khi tạm giữ xe của người vi phạm.

Cũng theo quy định trên, biên bản tạm giữ xe phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm (người vi phạm không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng). Biên bản này được lập thành 02 bản, CSGT giữ 01 bản và giao 01 bản cho người vi phạm.

Như vậy, trường hợp CSGT tạm giữ phương tiện của người vi phạm an toàn giao thông mà không lập biên bản là hành vi trái pháp luật.

Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, khi bị CSGT tạm giữ xe sai quy định, người bị xử lý vi phạm có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền.

Theo Luật Sư Việt Nam

comment Bình luận