Đi tiểu nhiều có phải dấu hiệu mang thai không?

Cơ thể người đi tiểu bao nhiêu ngày một lần là hợp lý? Đi tiểu nhiều có phải dấu hiệu mang thai không? Đi tiểu nhiều là do những nguyên nhân nào?
7:41 | 27/06/2019

Tiểu nhiều có thật sự là dấu hiệu nhận biết mang thai hay không. Tiểu như thế nào là nhiều, tiểu nhiều lần trong ngày chỉ báo bạn có tin vui hay tiểu nhiều còn là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác. Cùng tham khảo các thông tin dưới đây.

Đi tiểu như thế nào là nhiều?

 
Tùy thuộc vào cơ thể mỗi người, lượng nước nạp vào mỗi ngày, các hoạt động thể chất, môi trường làm việc... thói quen tiểu tiện cũng khác nhau. Theo các bác sĩ, mỗi ngày một người đi tiểu 7-8 lần (1 lần tiểu đêm) là hợp lý. Một số trường hợp đi tiểu từ 4 – 10 lần/ngày cũng chưa thể coi là bất thường.
 
Tổng lượng nước tiểu thải ra không quá 3000ml/ngày là hợp lý. Trên thực tế, chỉ cần lượng nước tiểu mỗi ngày không ít hơn 400 ml và không vượt quá là 3000 ml thì vẫn được coi bình thường. 
 
Đi tiểu nhiều có phải dấu hiệu mang thai không?
Đi tiểu bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh lý
 
Sau mỗi lần uống nước, cơ thể cần 30-45 phút để bài tiết lượng nước tiểu vừa đủ để bạn cảm thấy mót tiểu. 
 
Nếu thói quen tiểu tiện của cơ thể bị xáo trộn, một ngày thải ra nhiều hơn 3000ml nước tiểu hoặc đi tiểu nhiều lần dù không nạp vào cơ thể một lượng nước lớn cùng lúc như trà, cà phê hoặc rượu... thì có thể coi là đi tiểu nhiều.
 

Nguyên nhân gây ra chứng đi tiểu nhiều

 
Chứng đi tiểu nhiều xuất hiện với các biểu hiện: Buồn đi tiểu nhiều lần, có thể tiểu không kiểm soát hoặc mất kiểm soát bàng quang. Khi tiểu nhiều tiến triển thành bệnh có thể buồn tiểu kèm cảm giác bàng quang căng tức, đau vùng lưng và hông. Đôi khi cảm giác đau khi tiểu, tiểu ra máu hoặc nước tiểu màu hồng.... Các chuyên gia một số nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng đi tiểu nhiều.
 

Uống quá nhiều nước

 
Mỗi ngày cơ thể người cần uống từ 1,5 - 2 lít nước. Nước rất cần thiết cho cơ thể nhưng uống quá nhiều nước có thể gây những tác dụng không mong muốn. Đặc biệt nạp quá nhiều nước vào cơ thể sẽ khiến thận phải hoạt động nhiều, bài tiết nước tiểu nhiều hơn. Chỉ cần một cốc cà phê, một cốc nước ép hay ăn rau cải, trái cây mọng nước... là bạn đã cảm thấy muốn đi tiểu nhiều hơn.
 

Mất nước

 
Từng có nghiên cứu chỉ ra khi cơ thể không đủ nước, nước tiểu sẽ tập trung hơn, đậm đặc hơn gây kích thích bàng quang làm tăng cảm giác muốn đi tiểu dù thực thế không có nhiều nước tiểu trong bàng quang.
 

Các vấn đề về bàng quang

 
Bàng quang nhỏ, phải hoạt động quá mức hay bị ung thư bàng quang đều có thể gây đi tiểu nhiều. Thông thường, bàng quang của một người có thể chứa được 2 lít chất lỏng. Một số người khác có bàng quang nhỏ hơn chỉ chứa được 1 - 1,5 lít nước. Những người này sẽ nhanh muốn đi tiểu hơn những người khác.
 
Cơ chế hoạt động của bàng quang là nước tiểu dâng đầy khiến các cơ co lại gây cảm giác muốn đi tiểu. Một số trường hợp bàng quang bị kích thích không rõ nguyên nhân khiến bạn muốn đi tiểu dù thực tế bàng quang chưa bị đầy.
 
Ung thư bàng quang cũng là một nguyên nhân gây đi tiểu nhiều. Khối u hình thành, to dần và xâm lấn gây chèn ép bàng quang dẫn tới chảy máu, tăng cảm giác buồn tiểu.
 

Sỏi thận hoặc dị vật đường tiết niệu

 
Khi bạn đột nhiên thay đổi thói quen tiểu tiện, đi tiểu có cảm giác bỏng, đau vùng lưng dưới hoặc vùng xương chậu thì hãy nghĩ tới sỏi thận. Sỏi hoặc dị vật trong đường tiết niệu tạo ra cọ xát, kích thích cổ bàng quang gây hiện tượng tiểu nhiều, tiểu không hết, tiểu đau, nước tiểu ít, kèm máu...
 
Đi tiểu nhiều có phải dấu hiệu mang thai không?
Sỏi thận, sỏi đường tiết niệu là một trong những nguyên nhân gây đi tiểu nhiều lần
 

Nhiễm trùng đường tiểu

 
Khi vi khuẩn, virus xâm nhập gây bệnh viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm niệu quản hoặc viêm đài bể thận... chắc chắn sẽ có biểu hiện tiểu nhiều, tiểu ra máu, ngứa bộ phận sinh dục, nước tiểu đục...
 

Tác dụng phụ của thuốc

 
Một số loại thuốc điều trị cao huyết áp, dị ứng da, trầm cảm... cũng có thể khiến bàng quang suy yếu tạm thời gây cảm giác đi tiểu nhiều. Khi gặp vấn đề này hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.
 

Huyết áp thấp

 
Người huyết áp thấp thường có biểu hiện đặc trưng như chóng mặt, tê tay, mệt mỏi kèm cảm giác buồn tiểu thường xuyên.
 

Các bệnh gây đi tiểu nhiều

 
Thực tế một số bệnh có triệu chứng buồn tiểu nhiều đi kèm như: dấu hiệu sớm đái tháo đường tuýp 1 và 2; bệnh lý tiền liệt tuyến làm tuyến tiền liệt to ra khi bị u xơ, ung thư, gây ức chế dòng nước tiểu và kích thích bàng quang. Các bệnh tai biến mạch não, chấn thương tủy sống làm ảnh hưởng đến dây thần kinh điều khiển hoạt động của bàng quang dẫn tới hiện tượng đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp…
 

Sự thay đổi hoóc-môn

 
Sự thay đổi nội tiết tố ở nữ giới trong thời kỳ mang thai, mãn kinh hay trong kỳ kinh nguyệt cũng làm thay đổi thói quen tiểu tiện. Điều này khiến nhiều chị em lo lắng đi tiểu nhiều có phải dấu hiệu mang thai hoặc đi tiểu nhiều có ảnh hưởng tới thai nhi trong bụng. Để có câu trả lời chính xác, bà bầu cần thăm khám bác sĩ và làm các xét nghiệm.
 
Ngoài ra, chứng đi tiểu nhiều cũng xảy ra ở những người thường xuyên lo lắng, bị trầm cảm, rối loạn giấc ngủ - mất ngủ hay ngưng thở khi ngủ...
 

Đi tiểu nhiều có phải dấu hiệu mang thai?

 
Vấn đề đang nhận được sự quan tâm của hầu hết chị em là đi tiểu nhiều có phải dấu hiệu mang thai không? Theo các chuyên gia, đi tiểu nhiều không phải một dấu hiệu nhận biết phụ nữ có thai. Tuy nhiên, người mang thai thường gặp hiện tượng rối loạn tiểu tiện mà điển hình là chứng đi tiểu nhiều.
 
Nguyên nhân gây chứng đi tiểu nhiều ở phụ nữ mang thai là do nồng độ hoóc-môn progesterone gia tăng, tiết ra hCG. Khi đó các cơ ở bàng quang và thành tử cung bị giãn nở, lưu lượng máu lưu thông đến vùng chậu cũng gia tăng gây kích thích bàng quang, làm tăng cảm giác muốn đi tiểu.
 
Đi tiểu nhiều có phải dấu hiệu mang thai không?
Phụ nữ mang thai sẽ gặp rối loạn tiểu tiện gây đi tiểu nhiều lần
 
Khi đó, cơ thể người phụ nữ mang thai nhạy cảm tới nỗi, não bộ nhận ra tín hiệu muốn đi tiểu ngay cả khi bàng quang chứa rất ít nước tiểu. Tín hiệu được phát ra và truyền đi xuống bàng quang gây đi tiểu.
 
Phụ nữ mang thai thường xuyên có cảm giác buồn tiểu trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đây là giai đoạn thai mới hình thành, tử cùng bắt đầu giãn ra, nước được tích lại nhiều ảnh hưởng tới bàng quang. Bàng quang phát ra tín hiệu buồn tiểu và gửi tới não bộ xử lý.
 
Giai đoạn phụ nữ mang thai đi tiểu nhiều nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Sau 3 tháng đầu, thai phụ có thể không còn đi tiểu thường xuyên. Tuy nhiên cảm giác này sẽ lặp lại kể từ tuần thứ 32 trở đi. Lúc này thai nhi đã đạt đến trọng lượng nhất định chèn ép bàng quang, làm giảm dung tích chứa. Khi bàng quang không thể chứa nhiều nước như trước, bạn sẽ nhanh có cảm giác muốn đi tiểu hơn.
 
Tuổi thai càng lớn, mẹ bầu sẽ gặp chứng tiểu đêm. Phụ nữ mang thai đi tiểu đêm nhiều đặc biệt trong giai đoạn cuối thai kỳ. Nguyên nhân là do phụ nữ mang thai tiết ra một lượng lớn natri và nước vào ban đêm hơn.
 
Ngoài ra, phụ nữ có thai sẽ thường xuyên có cảm giác són tiểu, đặc biệt khi cười, ho hay hắt hơi. Nguyên nhân cũng do bào thai chèn ép tử cung nên khi hoạt động mạnh gây kích thích lên bàng quang. Đôi khi mẹ bầu tiểu không kiềm chế, mất kiểm soát do căng thẳng.
 
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/06/26/Xem nước tiểu đoán được tuổi thọ con người - VTC Now_26062019215738.mp4[/presscloud]
Xem nước tiểu đoán được tuổi thọ con người. Video: VTC
 
 
Hà Ly (T/h)


comment Bình luận