Đại Kiện Can: Sử dụng nhiều chiêu trò quảng cáo đánh lừa người bệnh viêm gan B, C

Dưới nhiều hình thức quảng cáo lừa dối, Đại Kiện Can liên tục thu hút người dùng dù Cục An toàn thực phẩm liên tục lên tiếng cảnh báo
6:00 | 11/08/2020

2 lần liên tục, thực phẩm chức năng Đại Kiện Can bị Cục An toàn thực phẩm phát thông tin cảnh báo người tiêu dùng không nên tin và mua trên nhiều website bởi thông tin hoàn toàn sai sự thật.

Lần 1, ngày 17/4/2020, Cục nêu rõ cẩn trọng với thông tin quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại kiện can trên một số website.

Lần 2, ngày 25/5/2020, chỉ chưa đầy một tháng sau đó, Cục tiếp tục phát thông báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Đại kiện can và Likigold đang được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.

Được biết, đây là thực phẩm chức năng có công dụng hỗ trợ chức năng của cơ thể người mắc bệnh gan, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Nhưng tất cả các đường link quảng cáo đều nói khống với nội dung:

"Đại Kiện Can là sản phẩm được tin dùng bởi hàng nghàn khách hàng trong và ngoài nước. Sản phẩm này được chiết xuất chủ yếu từ các thành phần thiên nhiên , kết hợp với công nghệ hiện đại phục hồi Gan bằng thảo dược dân gian an toàn, hiệu quả đánh thẳng vào nguồn gốc của bệnh. Rất nhiều bà con sau khi được chỉ dẫn cách sử dụng sản phẩm đã hoàn toàn thành công trong việc phục hồi Gan bị tổn thương. Lấy lại sự thoải mái, tự tin trong cuộc sống".

Cụ thể như website có tên miền: https://www.gankhoethaytoai.work/ganlong hay https://www.chuyenbenhgan.xyz/?gclid=CjwKCAjw4MP5BRBtEiwASfwAL29nhjpe6hl_GFWYBhxtNEFu-0KYAmg_EZah6XX-Jr7gPb3FqV-SaRoCtEUQAvD_BwE lồng ghép cả VTC14, hình ảnh bác sĩ, thầy thuốc, lợi dụng báo chí để nâng tầm sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng.

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: "Tất cả các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên mạng xã hội, dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hay đẩy lùi bệnh là hoàn toàn sai sự thật, người dân tuyệt đối không mua. Thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ chứ không thể điều trị dứt bệnh. Cục ATTP sẽ tăng cường thanh tra, hậu kiểm, kịp thời phát hiện những vi phạm để xử lý theo quy định, đồng thời công khai những trang web quảng cáo sai sự thật về sản phẩm để người tiêu dùng biết".

Chiêu trò quảng cáo thực phẩm Đại kiện can và Likigold đánh lừa người tiêu dùng - ảnh 1

Hết nội dung quảng cáo vi phạm, nói khống công dụng của một thực phẩm chức năng như một "vị thuốc thần". Bị lật tẩy, thực phẩm chức năng bổ trợ gan Đại kiện can quay sang khéo léo "khẳng định mình lừa đảo" để đánh lạc suy nghĩ khách hàng.

Chiêu trò quảng cáo thực phẩm Đại kiện can và Likigold đánh lừa người tiêu dùng - ảnh 2

Như bài trước phóng viên Sức Khỏe 24H phản ánh, trên trang web http://www.healcentral.org/dai-kien-can có đăng một nội dung khá thú vị với tiêu đề: "[VẠCH TRẦN] Bằng chứng Đại Kiện Can lừa đảo người bệnh viêm gan B". Kích thích sự tò mỏ của người đọc, tại sao trang web bán sản phẩm lại đi bóc phốt chính sản phẩm của mình. Nhưng khi lướt xuống thì lại hoàn toàn ngược lại, khéo léo chuyển tình thế đặt câu hỏi để người đọc biết Đại Kiện Can là gì, nêu thành phần và chẳng có gì liên quan đến tiêu đề bài viết.

Sau đó khéo léo đặt câu hỏi "Đại Kiện Can có lừa đảo không?" rồi chuyển sang giải thích như sau: "Chúng ta cần phải hiểu rằng, Đại Kiện Can hoàn toàn có tác dụng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh về gan. Nhưng chúng tôi xin nhấn mạnh, tác dụng chỉ là “HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ” chứ sản phẩm này không thể giúp người bệnh viêm gan virus B trở về âm tính như những gì nhãn hàng này đã quảng cáo. Bởi vậy nên khi khách hàng uống nhưng không có tác dụng như quảng cáo và cho là Đại Kiện Can lừa đảo là điều không có hiểu". Như vậy, sẽ khiến người đọc cho rằng, sản phẩm rất tốt cho gan, nhưng quảng cáo chỉ gây hiểu lầm thôi, người dùng vẫn yên tâm sử dụng.

Theo tìm hiểu, Đại kiện can do Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Vitaco Việt Nam công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Công ty này có địa chỉ tại phòng 802 số 627 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân (Hà Nội), ông Nguyễn Hưng Việt là người đại diện pháp luật.

Với những website bán hàng lừa đảo trên, Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Vitaco Việt Nam không thừa nhận các website nêu trên của mình. Đồng thời công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Đại kiện can trên các trang mạng nêu trên.

Vậy liệu chế tài như hiện tại có đủ sức răn đe đối với Đại Kiện Can khi vô tình lướt Facebook gần đây, nhiều người phản ánh vẫn thấy nhiều bài viết kể về cách chữa khỏi viêm gan B, C nhưng nhấn vào link dẫn thì lại ra Đại Kiện Can. Nội dung quảng cáo giống với trước đây, nói khống công dụng như thần dược, đánh lừa người tiêu dùng.

Cũng theo ông Phong: “Việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên người bệnh không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, người bệnh quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao”.

Liên quan đến những sản phẩm vi phạm quảng cáo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gần đây. Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài, trên môi trường mạng.

Bộ Y tế đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối thực phẩm chức năng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015.

comment Bình luận