Cục An toàn thực phẩm: Cảnh giác trước quảng cáo lừa dối về Đường huyết hoàn Halifa của Dược phẩm Hải Linh

Sản phẩm của Dược phẩm Hải Linh vừa bị "tuýt còi" khi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đường huyết hoàn Halifa không đúng sự thật.
15:16 | 30/07/2020

Ngày 29/7, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thông báo đến người tiêu dùng về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đường huyết hoàn Halifa thuộc Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh đang quảng cáo trên website https://www.thaoduoccophuong.xyz có nội dung gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Cụ thể, Đường huyết hoàn Halifa chỉ là thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, website này lại quảng cáo thực phẩm này có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn sử dụng hình ảnh bác sỹ, cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Đại chỉ Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh có địa chỉ tại số 119, phố Nguyễn Trãi I, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương

Được biết, Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh có địa chỉ tại số 119, phố Nguyễn Trãi I, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Hiện tại, ông Đinh Ngọc Tú đang làm người đại diện pháp luật.

Theo tìm hiểu của phóng viên Sức Khỏe 24H, ngày 17/08/2018, Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh "dính" án sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Sản xuất 01 lô sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe KISU (số lô: 010118; NSX: 020118; HSD: 020121) có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Sản xuất 01 lô sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe KISU (số lô: 010118; NSX: 020118; HSD: 020121) không phù hợp quy định an toàn thực phẩm, giá trị lô hàng vi phạm: 91.069.510 đồng. Và Dược phẩm Hải Linh bị phạt 90 triệu đồng.

Cùng một sản phẩm, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thiết bị y tế Bình Minh có địa chỉ tại lô 99 Khu Bãi Sậy, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội bị xử phạt 147.627.285 đồng với hành vi quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe KISU trên website http://Bình mình kiểu.vn, nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định (Hồ sơ công bố kèm theo Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 1720/2016/ATTP-XNCB ngày 21/01/2016; Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 00450/2016/XNQC-ATTP ngày 16/03/2016 của Cục An toàn thực phẩm xác nhận);

Quảng cáo thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe KISU dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm; Bán 01 lô sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe KISU (số lô: 010118; NSX: 020118; HSD: 020121) có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; Bán ra thị trường 01 lô sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe KISU (số lô: 010118; NSX: 020118; HSD: 020121) không phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Giấy chứng nhận đạt yêu cầu thực hành sản cuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm cấp cuối năm 2019

Sau khi dính bê bối sản xuất thuốc kém chất lượng, Công ty TNHH Dược phẩm Hải Linh bất ngờ công bố giấy chứng nhận đạt yêu cầu thực hành sản cuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Cục An toàn thực phẩm cấp cuối năm 2019.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm quảng cáo nêu trên của sản phẩm Dược phẩm Hải Linh.

Cục cảnh báo người tiêu dùng: "Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế".

Liên quan đến những sản phẩm vi phạm quảng cáo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gần đây. Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo, đài, trên môi trường mạng.

Bộ Y tế cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối như thuốc chữa bệnh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân; quảng cáo không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”... là rất phổ biến.

Thậm chí, một số chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình lạm dụng hoạt động tư vấn sức khỏe có sự tham gia của các giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ lồng ghép quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung vi phạm như trên.

Trước những vấn đề còn tồn tại này, Bộ Y tế đề nghị nhận được sự phối hợp của Bộ Công an chỉ đạo xử lý các vụ việc vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu hình sự, quảng cáo gian dối thực phẩm chức năng xâm phạm lợi ích người tiêu dùng theo Điều 197, Bộ luật Hình sự năm 2015.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm từng nhiều lần khẳng định: “Việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bệnh nên người bệnh không đến bệnh viện, không chữa trị theo phác đồ Bộ Y tế hướng dẫn. Khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, người bệnh quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao”.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin.

comment Bình luận