Có bao nhiêu loại chuối hiện nay? Cách phân biệt từng loại chuối

Chuối cau, chuối tiêu cùng nhiều loại chuối khác đang là đặc sản tại nước ta. Cùng khám phá xem hiện có bao nhiêu loại chuối phổ biến và chúng có đặc điểm gì.
13:32 | 06/10/2020

Chuối là trái cây rất phổ biến tại nước ta. Thân cây chuối được dùng như một loại rau làm gỏi, lá chuối thì để gói bánh và quả chuối được chế biến rất nhiều món ngon như kem chuối, chè chuối,....

Nghe thôi là đã thấy thèm rồi đúng không nào, ngoài loại quả ngon, chuối còn là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe và làm đẹp nữa đấy.

Nói đến công dụng của chuối, chắc chắn bạn nên đọc bài viết sau mình không chỉ nói đến công dụng nữa mà giúp bạn hiểu rõ hơn hiện có bao nhiêu loại chuối phổ biến, cách phân biệt từng loại chuối như thế nào. Bắt đầu nhé!

1 Chuối cau

Chuối cau sở dĩ được gọi như vậy là do giống chuối này có quả nhỏ, hướng tròn, mập giống hình quả cau. Một cây chuối cau có khả năng cho ra rất nhiều quả, năng suất cao nên bà con nông dân ở miền Trung và miền Nam hoặc khu vực có đồi núi ưa trồng.

Chuối cau khi chưa chín nhìn rất giống chuối ngự, nhiều người không có kinh nghiệm chọn mua thường lầm tưởng đây là chuối ngự. Cách phân biệt hai loại chuối này khá đơn giản, chuối cau mật độ quả san sát hơn, vỏ mịn hơn, quả tròn hơn và thường không còn râu ở đầu quả.

Khi ăn, chuối cau có vị thơm, ngọt dịu không quá gắt như chuối ngự, ngoài ra quả chuối cau cũng nhỏ nên ăn chuối cau cũng không ngán như các loại chuối khác.

2 Chuối ngự

Như đã nói ở trên chuối cau rất dễ lầm với chuối ngự nên mình cũng muốn chia sẻ thêm về chuối ngự ở vị trí thứ 2 này. Chuối ngự nhìn chung có hình dạng rất giống chuối cau nhưng đặc điểm để nhận dạng là chuối ngự khi chín vẫn còn râu, mật độ quả ít hơn chuối cau.

Khi thưởng thức, chuối ngự có mùi rất thơm, ngọt sắc cực kỳ ngon nên loại chuối này khi xưa còn được dùng để dâng cho vua thưởng thức nên mới được gọi là chuối ngự.

3 Chuối tiêu

Chuối tiêu rất phổ biến và được nhiều người ưa chuộng lắm. Chuối tiêu thường có hai loại là chuối tiêu lùn và chuối tiêu cao. Nãi chuối tiêu thường có khoảng 12 trái, Quả chuối tiêu có hình dáng cong như lưỡi liềm, chưa chín có màu xanh đậm, chín thì chuyển sang màu vàng, phần thịt vàng nõn, rất thơm và ngọt.

Chuối tiêu khi xanh hay chín đều ăn được. Với chuối tiêu xanh, bạn có thể cắt lát ăn kèm với các loại rau sống; nấu các món giấm chuối, cá kho chuối, lươn om chuối… hay đơn giản là cho vào nồi luộc để có món ăn vặt hấp dẫn. Với chuối tiêu chín, bạn có thể ăn trực tiếp, làm sinh tố chuối, kem chuối, bánh chuối, sữa chua dầm chuối…và rất nhiều món tráng miệng khác.

4 Chuối sứ (Chuối hương)

Chuối sứ hay được gọi là chuối xiêm, chuối hương. Chuối sứ có 2 loại chuối sứ trắng và chuối sứ xanh. Quả chuối sứ to, không dài thường được ăn chín và ăn sống lúc trái còn xanh. Khi ăn chuối sứ có mùi thơm và độ ngọt nhẹ, vừa phải, vị hơi chát một chút..

5 Chuối hột

Chuối hột còn được gọi là chuối chát và là loại chuối rất được ưa chuộng tại nước ta nổi danh với món rượu chuối hột. Đúng với tên của nó, chuối hột có ruột trắng, nhiều hột, có vị chát nhiều hơn ngọt nên loại chuối này thường được làm rau ăn kèm với nhiều loại rau khác hay ngâm rượu.

6 Chuối bơm

Giống chuối này được trồng phổ biến ở Đông Nam Bộ, đây là giống chuối có sản lượng cao khoảng 4 tháng là cho ra 1 buồng chuối. Quả được dùng làm ăn tươi, chuối sấy và giá thành của giống chuối này khá rẻ nên được dùng nhiều để chế biến thức ăn cho gia súc.

7 Chuối ngốp

Có 2 loại: ngốp cao, ngốp thấp đặc điểm của giống chuối nào là quả tương đối lớn, vỏ dày, nâu đen khi chín, thịt quả nhão khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị hơi chua.

8 Chuối lùn

Chuối lùn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho mọi người đặc biệt là cho trẻ nhỏ, trẻ em đang độ lớn, cho người dưỡng sức, cho người già,... tốt cho những người bệnh khớp, tiêu chảy và kiết lỵ... Trái chuối này có đặc điểm mập, khi chín ăn ngọt và mềm.

9 Chuối tiêu hồng

Đặc điểm nổi bật của loại chuối này là: thơm ngon, màu đẹp, dù chín cũng không bị nát. Đây là loại chuối đang được xuất khẩu tại Việt Nam.

10 Chuối Laba

Loại chuối đặc sản của Đà Lạt - Lâm Đồng được nhiều người biết đến chắc chắn phải có cái tên chuối laba giống chuối này có độ dẻo, mùi thơm và có vị ngọt đặc trưng hấp dẫn mọi người.

11 Chuối táo quạ

Chuối táo quạ có điểm khác biệt với một số giống chuối khác đó là không ăn trực tiếp được mà chỉ luộc chín khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị bùi và dẻo. Trái chuối to bằng cổ tay, dài 40, 50 cm.

12 Chuối già hương

Chuối già rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc điểm của nó là dài và cong, khi chín màu xanh, loại chuối già cũng là một trong những trái cây nổi tiếng đang được Việt Nam xuất khẩu.

13 Chuối cau lửa

Chuối cau lửa về hình dáng bên ngoài tương tự như chuối cau, nhưng chỉ khác về màu sắc, chuối cau lửa lúc còn sống có màu đỏ đỏ.

14 Chuối chà bột

Chuối chà bột khi ăn thịt chín, mùi rất thơm và ngon. được bày bán hầu hết ở thị trường Việt Nam.

Trên đây là một số loại chuối đang được người nội trợ yêu thích và chọn mua nhiều nhất hiện nay, hi vọng qua những chia sẻ này bạn sẽ biết cách phân biệt và hương vị của chúng để chọn mua cho phù hợp với gia đình.

comment Bình luận