Câu chuyện về người đàn ông \'thích\' bỏ tiền tỷ ra xây nghĩa trang cho người nghèo

Suốt bao nhiêu năm qua, ông Phạm Văn Công 66 tuổi (còn gọi là ông Ba Công, ngụ phường Láng Tròn, TX. Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đã dành cả công sức và tài sản để xây nghĩa trang, xây nhà tình thương... cho người nghèo.
9:23 | 03/12/2019

Người đàn ông đi lên từ nghèo khó xây nghĩa trang giúp người cùng cảnh ngộ

 
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, năm 11 tuổi ông Ba Công phải đi ở đợ cho nhà địa chủ, cả tuổi ấu thơ là chuỗi ngày cực khổ, đói khát. Một lần trong nhà hết gạo, thấy mẹ và các em đói lả, ông đi vay gạo khắp nơi nhưng không ai cho. May mắn thay, một người ở đợ giấu chủ đã cho ông ít gạo, cứu được cả gia đình. Thế nhưng, người ở đợ này bị chủ phát hiện và trách mắng dữ dội. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng ấy, ông Ba Công tự nhủ gia đình mình đã nợ người này. Tương lai nếu có được công danh sự nghiệp, ông sẽ trả ơn đầu tiên và giúp đỡ, cưu mang những phận đời khốn khổ như mình.
 
Không bao lâu sau, bà cố mất. Vì ngày đó mộ bà chỉ là một nắm đất nhỏ, đến khi ông Ba Công có điều kiện trở lại tìm thì đã hoàn toàn bị mất dấu tích. Cũng kể từ đó, trong đầu ông đã nuôi dưỡng ý tưởng giúp người nghèo có được nấm mồ khi yên nghỉ. Cả tuổi thơ dành cho việc mưu sinh nên ông chỉ học được đến hết lớp 2. Năm 19 tuổi, ông chuyển nghề sang bắt heo cho những người kinh doanh thịt, gồng gánh nuôi cha mẹ và 5 đứa em nhỏ. Cũng trong thời gian này, ông gặp và đem lòng yêu bà Lâm Thị Nương, cùng nhau kết duyên vợ chồng.
 
Câu chuyện về người đàn ông
Hình ảnh vợ chồng ông Ba Công.
 
Lúc mới lấy nhau, vì cả hai đều nghèo nên phải bươn chải làm thuê kiếm sống. Hàng ngày, hai vợ chồng chèo xuồng vào tận những nơi xa xôi để bán khoai lang, bán mía cho những ai cần. Vài năm trôi qua, nhiều người bạn biết hoàn cảnh của ông để trợ giúp điều kiện để ông mua gỗ, đóng một con thuyền chắc chắn tiện cho việc buôn bán. Đến năm 2007, thấy ngành xây dựng phát triển mạnh, ông Ba Công chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng. Tất cả công trình ông nhận đều được đảm bảo về chất lượng, giá thành lại rẻ nên được nhiều người và chính quyền tin tưởng.
 
Dù không biết chữ nhưng với sự nhanh nhẹn, thông minh, tính toán giỏi nên chỉ sau một thời gian ông Ba Công tích cóp được chút vốn mở hàng nước đá, xây dựng công trình và làm đường giao thông. Ông cười cười chia sẻ: “Nói thật thì tôi có biết tính toán gì phức tạp đâu, chỉ biết tính theo phép tính đơn giản thôi”. Công việc kinh doanh thuận lời nên số tiền làm ra ngày càng tăng, 4 đứa con lần lượt ra đời đều được ông cho học hành thành tài, có công ăn việc làm ổn định. Cầm đồng tiền “mồ hôi nước mắt” trên tay, việc đầu tiên ông làm là tìm những người có ơn với mình ngày xưa để trả ơn; sau đó mua gạo, hỗ trợ tiền điều trị cho người nghèo.
 
Đến năm 2008, ông bắt đầu bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình khi xưa: Xây nghĩa trang cho người nghèo. Khu nghĩa trang rộng 9000 m2 được ông Ba Công tỉ mỉ gây dựng suốt 3 năm; lúc đầu chỉ toàn là ao tù nước đọng đã dần hiện rõ “hình hài”. Tọa lạc tại Khóm 2, phường Láng Tròn (TX Giá Rai, Bạc Liêu), nghĩa trang từ thiện đã giúp không ít hoàn cảnh khó khăn có được nơi an nghỉ vào lúc cuối đời ... Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011, cho đến nay tại nghĩa trang đã có khoảng hơn 30 ngôi mộ được chôn cất. Nếu không có tấm biển “nghĩa trang từ thiện” bên ngoài, không ai nhắc đến nghĩa cử cao đẹp của ông Ba Công thì chẳng ai biết được những người nằm dưới đất sâu kia đều là những mảnh đời bất hạnh.
 
Câu chuyện về người đàn ông
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011, cho đến nay tại nghĩa trang đã có khoảng hơn 30 ngôi mộ được chôn cất.
 
Ông kể, trước đây ông bỏ ra 150 triệu mua mảnh đất này; thế nhưng để xây ra được nghĩa trang như hôm nay ông đã bỏ ra thêm 4 lần số tiền như thế. Sắp tới, nếu như có điều kiện ông sẽ tiếp tục mở rộng thêm để xây lò thiêu để “ai muốn chôn thì chôn, ai muốn thiêu cũng sẵn sàng”. Ông Ba Công còn dự định sẽ tráng xi măng tất cả các ngôi mộ vào dịp thanh minh để nghĩa trang có quang cảnh thoáng đẹp hơn. Đã có hơn 100 người chọn được cho mình nơi an nghỉ và ông cũng đã đồng ý. Đối với những người nghèo không nơi cư trú, không tiền chữa bệnh, lo ăn lo bữa từng ngày đều được ông quan tâm. Chẳng những giúp đất chôn, ông còn giúp cả áo quan cũng như xây mộ phần.
 

Sẵn sàng cho đi nếu người khác cần

 
Từ lúc có được chút tiền, ông Ba Công đã giúp đỡ không biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh. Ông bộc bạch: “Bản thân tôi luôn quan niệm rằng, nếu có 2kg gạo tôi sẵn sàng chia 1 nửa cho những ai thiếu thốn. Tôi vẫn sống được với 1kg gạo và người khác cũng có được miếng cơm. Mình đã khổ nên hiểu được và sẵn sàng giúp đỡ khi người khác cần. Tôi không cầm lòng được khi thấy nhiều người quá khó khăn cần trợ giúp. Có gì thì tôi giúp đấy, chỉ mong muốn sao họ thoát hỏi cảnh khổ không lối thoát”.
 
Câu chuyện về người đàn ông
Ông Ba Công giúp một người con đốt nhang khi đến viếng mộ mẹ được chôn tại nghĩa trang.
 
Có một lần trời lạnh đi vào những làng mạc xa xôi, thấy nhiều người già và trẻ nhỏ nằm co ro, ông Ba Công lập tức đi mượn tiền mua 100 chiếc mùng mền tặng cho họ. Ông không bao giờ quên những người đã cưu mang mình, cũng không thể chịu được khi nhìn người khác khổ cực. “Tôi cũng đã cất nhiều nhà giúp bà con nghèo khó có chỗ ở. May mắn thay, những việc làm từ thiện của tôi đều được gia đình ủng hộ. Nhiều người khuyên tôi đã có tuổi rồi, nên đi du lịch nghỉ ngơi cho thoải mái. Thế nhưng, chẳng có gì thoải mái hơn khi mình làm được việc có ích, có nghĩa”, ông Ba Công trải lòng.
 
Ngoài việc xây dựng nghĩa trang từ thiện, ông Ba Công đã xây tặng bà con nghèo khó trên 30 căn nhà tình thương. Ông còn không ngần ngại bỏ ra số tiền lớn xây cầu, đường giao thông ở những nơi khó khăn để giúp các bạn nhỏ đến trường an toàn, thuận tiện hơn. Dù giờ đã giàu sang nhưng do lớn lên từ gian khó, ông Ba Công vẫn giữ nguyên bản chất giản dị, chân tình của người nông dân. Mỗi công trình nhận về, nếu lãi 10 phần ông sẽ dành 7 phần giúp người nghèo, vì với ông gia đình có ăn có mặc là đủ. Với nhiều người nghèo khó ở huyện Đông Hải, TX. Giá Rai, ông Ba Công không khác gì “ông tiên, ông bụt” giữa đời thường, sẵn sàng giúp họ vượt qua khó khăn. Tháng nào cũng đều như vắt chanh, ông hỗ trợ người nghèo nơi mình sinh sống gạo, tiền; đóng góp quỹ An sinh xã hội hàng trăn triệu đồng mỗi năm.
 
Suốt nhiều năm liền, ông Ba Công là địa chỉ đỏ của chương trình Nhịp cầu nhân ái (Đài PT-TH Bạc Liêu). Với tấm lòng rộng mở, ông đã có những đóng góp, việc làm rất đáng được biểu dương. Thủ tướng chính phủ đã 2 lần tặng bằng bằng khen cho ông; những mảnh đời bất hạnh cũng đang rất cần những người có tấm lòng tốt đẹp như ông Ba Công.
 
[presscloud]https://media.baosuckhoecongdong.vn/mediav2/upload/video/2019/11/01/chuyen-xe-o-dong_01112019142242.mp4[/presscloud]
“Chuyến xe 0 đồng” của tài xế xe cấp cứu chở bệnh nhân, người đã mất về quê. Nguồn: Thanh Niên.
 
 
Thùy Nguyễn (t/h)
comment Bình luận