Cẩn trọng trước quảng cáo thực phẩm chức năng Kim Thần Khang

Mặc dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong việc cải thiện sức khỏe, hỗ trợ tăng cường lưu thông máu, giúp dưỡng tâm, an thần. Tuy nhiên sản phẩm Kim Thần Khang của Công Ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế và được tiếp thị bởi Công Ty TNHH Dược Phẩm Á Âu đang được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
15:44 | 16/08/2020

TPCN Kim Thần Khang phân phối bởi Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu

Được biết, sản phẩm Kim Thần Khang của Công Ty TNHH Tư Vấn Y Dược Quốc Tế (có địa chỉ tại B18+19 Khu B Hoàng Cầu- Đống Đa- Hà Nội) chỉ là thực phẩm chức năng, hiện tại đang được sản xuất tại nhà máy Công Ty cổ phần đầu tư và sản xuất Âu Cơ(địa chỉ tại Lô A2CN1- ĐườngCN 5- CCNTT vừa và nhỏ Từ Liêm- Minh Khai- Từ Liêm- Hà Nội) và do Công Ty TNHH Dược Phẩm Á Âu tiếp thị và phân phối.

Trên một số website như kimthankhang.vn; suynhuocthankinh.vn; fanpage facebook lại “thổi phồng” về công dụng của sản phẩm như đẩy lùi suy nhược thần kinh, stress, mất ngủ rối loạn lo âu, trầm cảm.

Không dừng lại ở đó, khi quảng cáo cho sản phẩm Kim Thần Khang tại các web trên, DN tiếp tục có dấu hiệu vi phạm Nghị định số 15/2018/NĐ-CP - hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm đó là: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

DN đang cố tình "thổi phồng" công dụng sản phẩm và có công dụng như thuốc chữa bệnh

Cụ thể, DN đã sử dụng các từ ngữ lập lờ, chung chung gây hiểu nhầm cho NTD. Dùng nhiều bài viết chia sẻ, tin nhắn, video của bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm nhằm tạo sự tin tưởng đối với người đọc. Ví dụ như những bài chia sẻ sau “Kinh nghiệm chữa mất ngủ do suy nhược thần kinh 5 năm trời chỉ trong 3 tháng”, Rối loạn lo âu, trầm cảm suốt 7 năm, tôi đã tìm ra cách cải thiện sau 2 tháng, … Nội dung trong các bài viết này, bên cạnh việc thông tin về bệnh lý thì đều “đính kèm” phần nội dung khẳng định, ca tụng công dụng của sản phẩm.

Phản hồi của Khách hàng về sản phẩm Kim Thần Khang như thuốc chữa bệnh

Ngoài ra, để kích cầu tiêu dùng, khiến nhiều khách hàng an tâm khi sử dụng sản phẩm, ngoài việc sử dụng rất nhiều lời cảm ơn, lời chia sẻ của bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm, những trang web này còn sử dụng các hình ảnh của bác sỹ có nhiều năm kinh nghiệm.

Sử dụng những chia sẻ của khách hàng để quảng cáo sản phẩm

Trang web này có đăng tải nhiều clip về những chia sẻ, tư vấn sử dụng Kim Thần Khang của GS. TS Nguyễn Văn Thông - Chủ nhiệm Khoa Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ: “Trong điều trị bệnh toàn diện, phải phối hợp các loại thuốc với nhau. Tôi cho rằng Kim Thần Khang, vị chủ đạo là cao hợp hoan bì mà tác dụng chính của hợp hoan bì đã được nhiều nơi sử dụng, tại nhiều nước có tác dụng an thần. Giúp não phục hồi lại rối loạn và điều chỉnh rối loạn...”

BS Nguyễn Hoàng Loan - Phòng khám đa khoa 12 Kim Mã, Hà Nội có nhận định về sản phẩm như một loại thuốc điều trị, chữa bệnh như sau: “Sản phẩm Kim Thần Khang rất tốt... trong sản phầm này nó có nhiều cao, dùng để dưỡng tâm an thần, giúp cho an thần, giải uất phá ứ, tăng cường lưu lượng máu lên não. Chính những tác dụng ấy cải thiện được những triệu chứng đau đầu, phiền muộn, hồi hộp”.... BS Nguyễn Hoàng Loan tiếp tục nói về sản phẩm Kim Thần Khang như một loại thuốc chữa bệnh.

Lợi dụng chuyên gia để quảng cáo sản phẩm

Trước thực trạng trên, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cần có những biện pháp mạnh tay xử lý để đảm bảo sức khỏe của người tiểu dùng.

Để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, tránh việc doanh nghiệp thu lợi nhuận từ việc quảng cáo “bát nháo”…, đề nghị Bộ Y tế, Cục ATTP và các cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ cũng như sớm đưa ra khuyến cáo cho người dùng không nên nghe theo những quảng cáo về những sản phẩm này để tránh việc tiền mất, tật mang và những sự cố không mong muốn có thể xảy ra.

 

Đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng sẽ bị xử lý hành chính, cụ thể:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.

Căn cứ Điểm a Khoản 4 Điều 68 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định”.

Căn cứ Khoản 1 Điều 67 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và được sửa đổi tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm;

b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Căn cứ Khoản 4 Điều 70 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và được sửa đổi tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: “quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.”

Căn cứ Điều 23 Khoản 1 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi “Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo”

Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
comment Bình luận