Bộ Y tế đề xuất thông điệp V2K trong phòng chống dịch COVID-19

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Bộ đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và trình Chính phủ về đề xuất V2K (vaccine - khẩu trang - khử khuẩn).
8:20 | 06/06/2022


Tuy nhiên trong dự thảo, Bộ Y tế cũng nêu rõ thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Ảnh minh họa.

Trả lời tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết từ khi bùng phát dịch Covid-19, thông điệp 5K đã được sử dụng rất hiệu quả, góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế đã tham mưu tạm dừng việc khai báo y tế, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách. Như vậy, thực chất chỉ còn thực hiện khẩu trang - khử khuẩn.

Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng bệnh. Vì thế, Bộ Y tế đã đề xuất V2K (vaccine - khẩu trang - khử khuẩn). Bộ đã lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và trình Chính phủ.

Trả lời trước đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết trước hết, cần phải hiểu bản chất của 5K là những biện pháp dự phòng không đặc hiệu phòng chống Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Trước khi Covid-19 xuất hiện, chúng ta vẫn thường xuyên áp dụng các biện pháp có trong quy định 5K để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa. Ví dụ, chúng ta vẫn đeo khẩu trang để phòng chống các bệnh lây qua đường hô hấp. Rửa tay bằng xà phòng - chính là khử khuẩn, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giảm hơn 40% nguy cơ bệnh truyền nhiễm do hô hấp và tiêu hóa.

Trong thời gian áp dụng 5K dự phòng Covid-19, các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chân tay miệng, ngộ độc thức ăn… cũng đã giảm rõ rệt. Do đó, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, việc duy trì các biện pháp phòng bệnh trên, trừ việc bỏ khai báo y tế, là vẫn cần thiết và có giá trị. Cụ thể như chúng ta vẫn nên chủ động giữ khoảng cách với những người có triệu chứng ho, sốt… Và ngược lại, nếu bản thân có các triệu chứng này thì phải chủ động để phòng bệnh cho người khác. Đây chính là vấn đề về khoảng cách.

Đối với các khu vực thông thoáng, người dân đi tập thể dục, chạy bộ…, việc đeo khẩu trang là không cần thiết. Tuy nhiên, ở nơi đông người, không gian kín như đi xe bus …thì vẫn nên áp dụng.

"Theo tôi cần áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh. Thay vì ép buộc, cần khuyến cáo người dân thực hiện, hình thành các thói quen tốt để không những phòng ngừa Covid-19 mà còn có rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành", TS Phu nhấn mạnh.

Thời gian gần đây, số ca mắc và tử vong trong nước liên tục giảm. Số ca mắc mới trong ngày duy trì quanh con số 1.000 ca, có những ngày xuống dưới 900. Đặc biệt, nhiều ngày nước ta không ghi nhận các ca tử vong.

WHO vẫn nhấn mạnh đại dịch Covid-19 chưa kết thúc. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn đang xuất hiện và lây lan.

comment Bình luận