Băn khoăn về giá máy thở 'chênh' hàng tỷ đồng mà Công ty Đông Á bán cho Bệnh viện Việt Đức

Cùng một loại thiết bị máy thở, Bệnh viện Phổi Trung ương mua với giá 588 triệu đồng/máy nhưng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phải mua của Công ty CP Vật tư trang thiết bị Đông Á gần gấp 2 lần - với giá lên đến gần 1,1 tỷ đồng/máy...
7:41 | 24/11/2021

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh minh họa.

Ngày 10/3/2021, ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ký Quyết định số 374/QĐ-VN nhằm phê duyệt cho Công ty Cổ phần vật tư Trang thiết bị Đông Á trúng “Gói thầu số 20: Cung cấp 05 máy thở cao cấp và 01 máy thở xách tay” thuộc Dự án Cung cấp trang thiết bị y tế bằng nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp với giá trúng thầu là 6.210.000.000 đồng.

Theo đó, gói thầu gồm có 05 máy thở cao cấp (Puritan Bennett 980, Covidien/Medtronic/Mỹ) với đơn giá mỗi máy là 1.093.000.000 đồng x 5 máy = 5.465.000.000 đồng; Máy thở xách tay EMV + MRI/731 series, Zoll Medical Corporation/Mỹ có đơn giá: 745.000.000 đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, máy thở Puritan Bennett 980 mà Công ty Đông Á bán cho Bệnh viện Việt Đức có giá cao gần gấp 2 lần nơi khác. Ví dụ, vào tháng 9/2021, Công ty TNHH Medtronic Việt Nam trúng gói thầu tại Bệnh viện Phổi Trung ương để cung cấp máy thở Puritan Bennett 980 với đơn giá trúng thầu là hơn 588,929 triệu đồng/máy.

Như vậy, nếu so sánh đơn giá của Bệnh viện Phổi Trung ương thì Bệnh viện Việt Đức đang phải mua cao hơn 2,5 tỷ đồng đối với 05 máy thở Puritan Bennett 980.

Gói thầu do ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ký.

Công ty Cổ phần vật tư Trang thiết bị Đông Á được thành từ ngày 25/09/2009, hiện do người có tên NGUYỄN GIA HIỂN chịu trách nhiệm pháp luật. Công ty Đông Á có địa chỉ tại: illa D31 Khu đô thị The Manor, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Mới nhất, Công ty Đông Á trúng gói thầu: Mua sắm trang bị siêu âm, nội soi tại Cục Quân y - Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc Phòng trị giá 2.618.000.000 đồng.

Trước đó, doanh nghiệp này liên tục bị “đánh trượt” tại các gói thầu “Mua sắm Môi trường vận chuyển VTM sử dụng trong phòng, chống dịch Covid – 19” tại Bệnh viện Ung Bướu Tp. Hồ Chí Minh trị giá 3.360.000.000 đồng (24/09/2021) và Gói thầu “Mua sắm vật tư y tế khay thử xét nghiệm kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 năm 2021” tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trị giá 7.920.000.000 đồng (20/09/2021).

Giá thiết bị y tế cao hay thấp còn phụ thuộc vào khâu vận chuyển, linh kiện, phụ trợ, bảo hành, bảo trì, xây lắp, đào tạo, truyền thông... Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh là phải có lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu cố tình lợi dụng mối “quan hệ, sân sau” hoặc thông đồng để “đẩy, thổi” giá thiết bị y tế lên hòng trục lợi, chia chác là việc làm cần lên án và xử lý nghiêm.

Sức Khỏe 24H sẽ tiếp tục thông tin!


 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực y tế

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế, khẩn trương xét xử sơ thẩm các vụ án trọng điểm.

Ngày 18/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và quyết định phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần mới của trung ương.

Phải tạo cho được một tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. Kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tổng bí thư đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Đặc biệt, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế; các vụ án, vụ việc vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, TP.HCM, vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ; Buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả…" xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng...

 

 

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Có việc thông đồng với nhà thầu để đẩy giá lên, ăn chia nhau, có trích phần trăm

Chiều 10/11, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời chất vấn của một số đại biểu liên quan đến các sai phạm của cán bộ trong ngành Y tế.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là vụ án xảy ra tại các bệnh viện lớn đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố và điều tra. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư “phát hiện một vụ cảnh tỉnh cả vùng”, trong đó công an các đơn vị địa phương chủ động nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe trong cả lĩnh vực.

Một số vụ án điển hình được lãnh đạo Bộ Công an viện dẫn như: vụ CDC Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La… Đến nay, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bộ Công an đang đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, sớm kết luận để đưa ra truy tố.

“Qua các vụ việc có dư luận cho rằng, các vi phạm do cơ chế, lỗi hệ thống, nhưng chúng tôi khẳng định, không phải do các lỗi này mà đều có việc lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm. Những vi phạm về hình sự rất đáng xử lý. Trước khi xử lý hình sự, cơ quan điều tra đều có yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng vụ việc, phải chứng minh được yếu tố tư lợi, tham ô, trục lợi thì mới xử lý. Ví dụ như mua máy thông đồng với nhà thầu để đẩy giá lên, ăn chia nhau, có trích phần trăm… Đây là những yếu tố tư lợi, biểu hiện tham ô, tham nhũng...”, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.

Cũng tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, các tỉnh, thành tiếp tục thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình tham mưu, quy trình đầu tư cơ sở vật chất, triển khai mua sắm trang thiết bị để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các bộ, ngành chức năng nghiên cứu đưa một số mặt hàng trang thiết bị y tế vào nhóm mặt hàng bình ổn và quản lý giá, không để doanh nghiệp thông đồng với các cơ quan đơn vị nâng giá để trục lợi. Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra xử lý các vi phạm này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, trong thời gian qua, tình hình buôn lậu các vật tư y tế, kit test xét nghiệm, thuốc không rõ nguồn gốc cũng diễn biến phức tạp. Các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi để nhập lậu. Bộ đã chỉ đạo công an các địa phương tập trung lực lượng triển khai các biện pháp đấu tranh phòng ngừa.

Đại tướng Tô Lâm cho biết, thời gian tới, Bộ Công an sẽ ứng dụng các yếu tố khoa học công nghệ vào công tác chống dịch, đặc biệt là những thành quả từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân.
comment Bình luận