Viêm phổi ở người cao tuổi dễ bị biến chứng suy hô hấp
Viêm phổi ở người cao tuổi là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính ở phổi do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó đa số là do nhiễm vi khuẩn, vi rút. Viêm phổi ở người cao tuổi thường tiến triển nặng hơn so với người trẻ tuổi. Ở người cao tuổi, do sự lão hóa của hệ thống miễn dịch và bộ máy hô hấp nên dẫn đến suy giảm sức chống đỡ với thời tiết thay đổi đột ngột và sự tấn công của các loại vi khuẩn, vi rút.
Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt – Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, khi thời tiết thay đổi đột ngột hay trong lúc giao mùa thì người cao tuổi dễ mắc bệnh viêm phổi. Ở người cao tuổi, sức đề kháng giảm, phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng cũng ít rầm rộ, bệnh thường âm ỉ, không có biểu hiện rõ ràng, các triệu chứng không thực sự điển hình, đôi khi chỉ là ho ít hoặc ớn lạnh như cảm cúm thông thường. Điều này dễ làm người bệnh và người nhà chủ quan, không đưa đến bệnh viện sớm để điều trị. Ngoài ra, không ít người cao tuổi còn mắc một số bệnh lý khác như đái tháo đường, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, cao huyết áp, tim mạch,… hoặc đang sử dụng một số loại thuốc để điều trị các bệnh khác cũng gây ra giảm miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút xâm nhập và phát triển gây nên các bệnh nhiễm trùng, trong đó có viêm phổi.
Cũng theo bác sĩ Nhựt, do viêm phổi ở người cao tuổi thường diễn biến âm thầm nên có nhiều người chủ quan, thường tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, đến khi tình trạng chuyển biến xấu và nặng mới đưa đến cơ sở y tế để điều trị. Điều này khiến tình trạng viêm phổi ở người cao tuổi dễ bị biến chứng nguy hiểm như biến chứng tại phổi (bệnh có thể lan rộng ra hai hoặc nhiều thùy phổi, bệnh nhân khó thở nhiều hơn, tím môi, mạch nhanh và có thể dẫn đến suy hô hấp cấp); biến chứng trong lồng ngực (người bệnh có thể bị sốt dai dẳng do tràn mủ màn phổi, viêm màng ngoài tim với các triệu chứng đau vùng trước tim, nghe có tiếng cọ màng tim). Trong biến chứng của bệnh viêm phổi, suy hô hấp là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất, khi đó phổi bị tổn thương nặng, giảm chức năng hô hấp dẫn đến không cung cấp đủ lượng ôxy cho não do đó người bệnh bị tử vong rất nhanh.
Điểm đáng lưu ý là người cao tuổi khi bị viêm phổi thường đáp ứng điều trị thuốc kém, sau khi khỏi bệnh thông thường họ phải mất khoảng thời gian dài để hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Do đó, ở người cao tuổi, khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời, việc điều trị đúng và sớm sẽ mang lại hiệu quả cao, thậm chí bệnh nhân không cần phải nhập viện điều trị mà có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Để phòng bệnh viêm phổi cho người cao tuổi, bác sĩ Nhựt khuyến cáo, không nên để người cao tuổi bị nhiễm lạnh, nhất là nhiễm lạnh đột ngột. Giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh, đặc biệt là giữ ấm cổ, ngực và hai bàn chân. Cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nhà ở phải thông thoáng, về mùa lạnh nên che kín các khe hở, nên đóng cửa để che bụi. Nằm ngủ nên đắp chăn ấm, không nên tắm nước lạnh, nơi tắm phải kín không có gió lùa. Người cao tuổi không nên sử dụng rượu bia, thuốc lá vì đó là nguyên nhân gây phá hủy phổi, giảm chức năng hô hấp của cơ thể, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm nhiễm khác.
Về chế độ ăn uống, người cao tuổi cần bổ sung dinh dưỡng phù hợp bằng cách sử dụng các loại rau, trái cây tươi đảm bảo đầy đủ vitamin A, C, E, canxi, khoáng chất, chất xơ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Mùa lạnh có thể ăn nhiều hơn mùa hè do cơ thể phải tiêu tốn calorie nhiều hơn để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường. Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo, thịt, các món hầm,…
Rèn luyện thể dục dưỡng sinh phù hợp giúp cho cơ thể giữ được khối lượng cơ, cơ không bị teo, nhão, giúp cho khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái. Khi có các dấu hiệu ho nhẹ, khó chịu, thậm chí không ho, không có đờm hoặc ít đờm nhưng lại thở nhanh, thở gấp hơn bình thường, đi lại dễ ngã, tinh thần lú lẫn,… cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị, việc điều trị phải do bác sĩ chỉ định không tự ý mua thuốc điều trị nhất là kháng sinh vì không đúng liều rất dễ gây kháng thuốc.
Mỹ Hạnh
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Cà Mau: Tập huấn tư vấn cai nghiện thuốc lá tại cộng đồng
Nhằm thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời tổ chức lớp tập huấn tư vấn cai thuốc lá cho 40 học viên là cộng tác viên, y tế khóm/ấp tại cộng đồng.November 22 at 4:25 pm -
Đà Nẵng: Tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho y tế thôn bản
Từ ngày 19/11 đến 21/11, tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế thôn bản của 11 xã trên địa bàn huyện Hoà Vang.November 22 at 4:25 pm -
Gia Lai phát động tháng hành động vì bình đẳng giới
Vừa qua, tại TP. Pleiku, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2024.November 21 at 8:52 am -
400 triệu đồng gây quỹ hỗ trợ sinh viên tại giải golf Trường Đại học Luật TP.HCM
Ngày 19/11, giải golf mở rộng lần I năm 2024 của Trường Đại học Luật TP.HCM diễn ra nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Sự kiện quy tụ 144 golfer, bao gồm các cựu giảng viên, cựu sinh viên và doanh nhân từ nhiều lĩnh vực khác nhau.November 20 at 1:03 pm