Uống rượu bia mỗi ngày, nam thanh niên 30 tuổi phải lọc máu vì viêm tuỵ cấp

Thói quen uống rượu bia mỗi ngày khiến anh V.L.K (30 tuổi, ngụ tại Long An) cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á trong tình trạng nguy kịch. Sau cơn đau bụng dữ dội, nôn ói kèm theo sốt cao, anh được chẩn đoán bị viêm tụy cấp độ E – mức độ nặng nhất theo phân độ Balthazar.
18:22 | 31/12/2024

Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ ghi nhận anh có tiền sử nghiện rượu bia nặng trong nhiều năm. Cách đây một năm, anh đã nhập viện với bệnh cảnh tương tự, được chẩn đoán viêm tụy cấp do rượu và hội chứng cai rượu. Tuy nhiên, thay vì cai rượu, anh vẫn duy trì thói quen uống mỗi ngày.

Tại khoa Cấp Cứu, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám và chỉ định làm các xét nghiệm, chụp MSCT bụng. Kết quả cho thấy định lượng triglycerid tăng cao (13 mmol/l) men tụy và men tăng cao (Lipase: 564; ALT/AST: 266/104). Người bệnh được chẩn đoán viêm tụy cấp nặng do rượu, tăng triglyceride máu, tăng huyết áp, rối loạn điện giải.

Uong-ruou-bia-moi-ngay-thanh-nien-30-tuoi-phai-loc-mau-vi-viem-tuy-cap-1

Sau 12 giờ điều trị tại khoa Nội Tổng quát, tình trạng người bệnh diễn tiến xấu dần: đau bụng không giảm, mạch nhanh, huyết áp cao, tiểu ít. Các bác sĩ khoa Nội Tổng quát và khoa Hồi sức tích cực (ICU) đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp, quyết định chuyển người bệnh lên ICU để thực hiện kỹ thuật lọc máu thẩm tách liên tục (CVVHDF).

Đây là kỹ thuật tạo vòng tuần hoàn ngoài cơ thể nhằm đào thải các chất có hại cho cơ thể một cách liên tục. Khi máu đi qua màng lọc, các cytokine, độc tố,… sẽ được lấy ra khỏi máu người bệnh. Lọc máu liên tục hỗ trợ người bệnh viêm tụy cấp, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, rối loạn chuyển hóa, ngộ độc,… vượt qua giai đoạn cấp cứu đe dọa tính mạng.

Với sự nỗ lực không ngừng của các bác sĩ, tình trạng người bệnh đáp ứng ổn định dần, các thông số về lại giới hạn cho phép. Sau vài ngày điều trị tích cực, người bệnh được chuyển về khoa Nội Tổng quát để tiếp tục theo dõi.

Tại đây, các bác sĩ duy trì phác đồ bù dịch, bù điện giải, kiểm soát huyết áp, theo dõi sát nước tiểu, tình trạng bụng. Tình trạng lâm sàng đã được cải thiện rõ rệt, chức năng thận về mức bình thường, người bệnh đã có thể ăn uống với chế độ ít béo, ăn vừa đủ.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Sau hơn 1 tháng điều trị, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt và đã được xuất viện.

Theo BS.CKI Nguyễn Văn Chiến - khoa Nội Tổng quát, thường xuyên uống nhiều bia rượu sẽ gây hẹp ống dẫn tụy, khiến men tiêu hóa không được tiết vào ruột non mà ứ đọng trong tụy, dẫn đến viêm. Ngoài ra, rượu bia còn thúc đẩy tăng mỡ máu, làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp.

Viêm tụy cấp là một trong những bệnh lý nguy hiểm, dễ tái phát, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. “Người từng mắc viêm tụy cấp nên dừng ngay các yếu tố nguy cơ như: rượu bia, thuốc lá, hạn chế đồ sống, chua cay, trà, cà phê, nội tạng động vật, và thực phẩm nhiều dầu mỡ; áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp với việc theo dõi sức khỏe định kỳ sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ tái phát và bảo vệ sức khỏe lâu dài”, BS Chiến khuyến cáo.

Cao Ánh

comment Bình luận