Đắk Lắk bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông

Sáng 30/12, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
13:54 | 31/12/2024

Hội thảo đã tiếp nhận 28 bài tham luận đến từ các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Học viện Quản lý giáo dục; các trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế; Đại học Sư phạm TP. HCM, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trường Đại học Tây Nguyên và các trường đại học trong cả nước. Các bài tham luận tiếp cận dưới các góc nhìn khác nhau từ vĩ mô đến vi mô, từ lý luận đến thực tiễn đều gắn với chủ đề của hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc, bà H’Yim K đoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh sau 10 năm thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sắp sửa kết thúc một chu trình thực hiện. Toàn ngành đang tích cực triển khai thực hiện theo tinh thần Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng chất lượng giáo dục phổ thông, tìm ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân để rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc

Bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc

Phát biểu đề dẫn, TS Lê Thị Thanh Xuân – Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết: Đắk Lắk hiện có gần 500.000 học sinh từ mầm non đến phổ thông, trong đó có hơn 35% là học sinh dân tộc thiểu số. Qua hơn 10 năm thực hiện đổi mới, ngành giáo dục của tỉnh đã đạt những thành tựu nổi bật. Thành tích học sinh giỏi quốc gia luôn dẫn đầu trong khu vực 10 tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

TS Lê Thị Thanh Xuân - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh phát biểu đề dẫn

TS Lê Thị Thanh Xuân - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh phát biểu đề dẫn

Trong các cuộc thi khoa học và kỹ thuật dành cho học sinh trung học đã có những dự án đoạt giải nhất và có dự án tham dự kỳ thi ISEP tại Mỹ. Giáo dục vùng dân tộc thiểu số được chú trọng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ văn hóa cho học sinh dân tộc thiểu số. Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh hoàn thành mục tiêu đề ra.

Bà H’Yim K đoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo đồng chủ trì phiên thảo luận tại hội thảo

Bà H’Yim K đoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo đồng chủ trì phiên thảo luận tại hội thảo

Bên cạnh thành tích đã đạt được, ngành giáo dục Đắk Lắk đã và đang đứng trước những khó khăn, thách thức tạo ra rào cản lớn trong tiến trình đổi mới. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn thiếu và không đồng bộ, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ trường học kiên cố hóa vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

TS Lê Thị Thảo - Trưởng Phòng THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk tham luận tại hội thảo

TS Lê Thị Thảo - Trưởng Phòng THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk tham luận tại hội thảo

Hơn nữa, Đắk Lắk là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số, nhiều điểm trường lẻ ở cấp mầm non và tiểu học ở vùng khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc học của học sinh. Chất lượng giáo dục có sự chênh lệch giữa vùng sâu, vùng xa so với vùng trung tâm. Việc thực hiện các chế độ, chính sách cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm nhưng chưa đủ khắc phục những khó khăn, hạn chế. Tình trạng thiếu giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên dạy môn tin học, tiếng Anh cấp tiểu học ảnh hưởng lên đến việc tổ chức dạy học trong các nhà trường; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học, thiếu giáo viên dạy các môn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

TS Trần Thị Quỳnh Nga - Giảng viên Đại học Sư phạm Huế tham luận tại hội thảo

TS Trần Thị Quỳnh Nga - Giảng viên Đại học Sư phạm Huế tham luận tại hội thảo

Mặt khác, theo lộ trình tinh giản biên chế của tỉnh, hàng năm các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành Giáo dục được giao biên chế thấp hơn năm trước. Năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo còn thiếu hơn 1.273 giáo viên. Trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT, tỷ lệ học sinh lựa chọn các môn khoa học xã hội cao hơn các môn khoa học tự nhiên gây thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung phân tích những nguyên nhân, gợi mở nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tại Đắk Lắk như: Đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường giáo dục STEM và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên; áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)...

Kim Bảo

comment Bình luận