Từ bờ vực tử vong, chàng trai 19 tuổi trở lại mạnh mẽ nhờ sự kỳ diệu của y học

Chỉ trong vòng 72 giờ, từ tình trạng nguy kịch tưởng chừng không thể cứu vãn, N.T.Đ đã hồi phục ngoạn mục nhờ vào sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ tại Bệnh viện Nguyễn Trãi.
16:31 | 27/04/2025

"Cuộc chiến" trong từng phút giây

Ngày 18/12/2024, N.T.Đ (19 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng nguy kịch: lơ mơ, huyết áp tụt sâu chỉ còn 60/40 mmHg, mạch nhanh 130 lần/phút, phù toàn thân nặng nề, da nổi bông, tay chân lạnh. Kết quả siêu âm tại giường cho thấy thất phải giãn lớn, tĩnh mạch chủ dưới (IVC) giãn không co xẹp, áp lực động mạch phổi trung bình tăng cao. Khí máu động mạch ghi nhận tình trạng toan chuyển hóa nặng với lactate > 20 mmol/dL.

Chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ là sốc kháng trị, suy thất phải cấp nghi do sốc tắc nghẽn, theo dõi thuyên tắc phổi, kèm tổn thương gan, thận cấp và toan chuyển hóa không đáp ứng điều trị nội khoa.

72 giờ nghẹt thở cứu chàng trai 19 tuổi khỏi tay tử thần (Ảnh: BVCC)

72 giờ nghẹt thở cứu chàng trai 19 tuổi khỏi tay tử thần (Ảnh: BVCC)

Trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", đội ngũ y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (HSTC-CĐ) Bệnh viện Nguyễn Trãi đã triển khai cuộc chiến hồi sức tích cực đầy khẩn trương và bài bản. Bệnh nhân nhanh chóng được đặt nội khí quản thở máy, sử dụng đồng thời hai loại thuốc vận mạch liều cao là dobutamin và noradrenalin để duy trì huyết áp. Huyết áp động mạch xâm lấn cũng được thiết lập để theo dõi liên tục các chỉ số sinh tồn.

Sau khi huyết động tạm ổn định, các bác sĩ tiến hành chụp CT động mạch phổi để loại trừ thuyên tắc phổi. Tuy nhiên, kết quả không ghi nhận tắc nghẽn các nhánh lớn. Men tim tăng nhẹ nhưng không có dấu hiệu động học; điện tim không ghi nhận thay đổi đáng kể. Trước diễn tiến suy đa tạng nặng, biện pháp lọc máu liên tục cấp cứu (CRRT) đã được triển khai ngay lập tức.

Hành trình hồi sinh kỳ diệu

Bên cạnh việc duy trì thở máy và sử dụng kháng sinh phổ rộng, các biện pháp điều trị chuyên sâu như lọc máu liên tục kết hợp rút dịch tích cực, thay huyết tương và tiêm vitamin B1 liều cao được thực hiện một cách tỉnh táo, tập trung cao độ. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa khác nhau đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát và điều trị các biến chứng phức tạp.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi, điều kỳ diệu đã xảy ra. Từng ngày trôi qua, tình trạng của N.T.Đ dần cải thiện: mạch và huyết áp ổn định, thuốc vận mạch được giảm liều rồi ngưng hẳn. Đến ngày 20/12, bệnh nhân cai được máy thở, rút nội khí quản và được chuyển sang phòng bệnh thường để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Bệnh nhân tiếp tục được chỉ định tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng (Ảnh: BVCC)

Bệnh nhân tiếp tục được chỉ định tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng (Ảnh: BVCC)

Kết quả điều trị ngoạn mục cho thấy bệnh nhân đã thoát khỏi sốc, các chỉ số sinh tồn ổn định, chức năng tim, gan, thận dần hồi phục. Bệnh nhân ngưng lọc máu cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Đến ngày 9/1/2025, N.T.Đ đủ điều kiện xuất viện, khép lại hành trình "thập tử nhất sinh" đầy gian nan.

Hành trình phục hồi của chàng trai 19 tuổi chưa dừng lại. Anh tiếp tục được chỉ định tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tại Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nguyễn Trãi để lấy lại sức khỏe và thể lực.

BS.CKII Lâm Kim Bảo, Trưởng khoa HSTC-CĐ, cho biết: "Bệnh nhân trẻ bị sốc chưa rõ nguyên nhân, suy đa tạng cần được hồi sức tích cực, khẩn trương, sử dụng hệ thống lọc máu liên tục kịp thời, hiệu quả. Sau khi tình trạng ổn định, cần phối hợp phục hồi chức năng cho bệnh nhân”.

Theo BS.CKI Huỳnh Văn Thanh, Trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu, bệnh nhân nặng nằm lâu tại khoa Hồi sức cấp cứu luôn đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro lớn do biến chứng của bệnh lý và do bất động kéo dài. "Phục hồi chức năng sớm và toàn diện không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường sức mạnh và độ bền thể lực mà còn rút ngắn thời gian nằm viện cho người bệnh", bác sĩ Thanh nhấn mạnh.

Cao Ánh

comment Bình luận