Phối hợp liên viện cứu sống sản phụ 25 tuổi bị băng huyết sau sinh

Một sản phụ 25 tuổi, ngụ tại Long An, vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cứu sống kịp thời sau khi bị băng huyết nặng sau sinh.
8:47 | 20/04/2025

Chị Q. sinh con lần đầu tại một cơ sở y tế địa phương. Ca sinh thường diễn ra thuận lợi, bé gái chào đời nặng 2,7kg. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau sinh, sản phụ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu bất thường: da tái, niêm mạc nhợt, lơ mơ, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt và ra máu âm đạo nhiều từng đợt, mỗi lần ướt đẫm một miếng tã quần (ước tính 200–300ml máu/lần).

Mặc dù đã được xử trí ban đầu bằng xoa tử cung và dùng thuốc cầm máu, tình trạng của sản phụ không cải thiện. Nhận định đây là ca nguy kịch, cơ sở y tế địa phương lập tức kích hoạt báo động đỏ và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An.

Ngay khi nhận được báo động, ekip trực Khoa Sản Phụ khoa nhanh chóng vào vị trí. Các khoa Gây mê hồi sức, Xét nghiệm cũng sẵn sàng hỗ trợ, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phòng mổ, máu và chế phẩm máu để xử lý tình huống khẩn cấp.

Các bác sĩ phẫu thuật thắt động mạch tử cung để cầm máu (Ảnh: BVCC)

Các bác sĩ phẫu thuật thắt động mạch tử cung để cầm máu (Ảnh: BVCC)

BS.CKII Lê Thị Chuyền – Trưởng Khoa Sản Phụ khoa cho biết: “Tại thời điểm tiếp nhận, tử cung của sản phụ mềm nhão, máu loãng và máu cục chảy liên tục. Lượng máu mất ước tính đã vượt 1000ml – ngưỡng nguy hiểm có thể gây sốc mất máu, rối loạn đông máu và đe dọa tính mạng nếu không can thiệp kịp thời”.

Ngay lập tức, sản phụ được truyền máu, tiêm thuốc co hồi tử cung và đặt bóng chèn lòng tử cung để cầm máu tạm thời. Tuy nhiên, sau 5 phút đánh giá lại, máu vẫn tiếp tục chảy, tử cung không co hồi. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật thắt động mạch tử cung để cầm máu.

“Băng huyết sau sinh do đờ tử cung là biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử trí nhanh chóng. Trong nhiều trường hợp, việc cắt tử cung là lựa chọn bắt buộc để giữ tính mạng sản phụ. Tuy nhiên, đây là ca sinh đầu tiên, sản phụ còn rất trẻ. Chúng tôi hiểu rằng giữ được tử cung không chỉ là bảo toàn một cơ quan, mà còn là giữ lại cơ hội làm mẹ trong tương lai cho người phụ nữ,” BS Chuyền chia sẻ.

Sau ca phẫu thuật khẩn cấp, tình trạng băng huyết được kiểm soát. Tổng lượng máu mất khoảng 1500ml, bệnh nhân được truyền 5 đơn vị hồng cầu lắng, 2 đơn vị huyết tương đông lạnh và 1 đơn vị kết tủa lạnh. Sau hơn 3 giờ theo dõi, tử cung co tốt, lượng máu ra giảm rõ rệt.

Hiện sản phụ hồi phục ổn định, có thể đi lại và sinh hoạt bình thường, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Theo thống kê, băng huyết sau sinh xảy ra ở khoảng 2% các ca sinh, nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ trên toàn cầu, chiếm tới 25% trong tổng số các ca tử vong sản khoa. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến các ca cắt tử cung cấp cứu trong chu sinh.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, nguyên tắc quan trọng nhất để phòng ngừa băng huyết sau sinh – cũng như nhiều biến chứng thai kỳ nguy hiểm khác – là theo dõi thai kỳ sát sao. Việc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, kết hợp với kế hoạch chăm sóc và can thiệp y tế phù hợp, sẽ giúp quá trình mang thai và sinh nở an toàn hơn, giảm thiểu rủi ro cho cả mẹ và bé.

Hồ Ninh

comment Bình luận