TP.HCM: Nhức nhối chợ tự phát ‘bủa vây’ chợ đầu mối, gây mất an toàn thực phẩm

Xung quanh khu vực chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM, chợ tự phát mọc lên như nấm sau dịch Covid-19, song theo cơ quan quản lý địa phương, nhiều địa điểm kinh doanh chưa đáp ứng đủ điều kiện như: giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng…
18:42 | 13/08/2024
4

Tối 12/8 rạng sáng 13/8, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM dẫn đầu buổi giám sát về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Hóc Môn.

Nở rộ chợ tự phát

Tại buổi giám sát, ông Lê Hoàng Phong – Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn (Chợ đầu mối Hóc Môn) đã báo cáo về công tác quản lý an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối và nêu ra những bất cập trong hoạt động doanh hoạt động kinh doanh tại chợ và khu vực xung quanh.

Ông Phong cho biết, từ sau dịch Covi-19, tình trạng chợ tự phát xung quanh chợ mọc lên như “nấm sau mưa”. Tuy nhiên, những hộ kinh doanh này lại không đảm bảo các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, PCCC… thậm chí còn chưa được cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP…

Ông Cao Thanh Bình (ở giữa) kiểm tra sổ ghi chép xuất xứ hàng hoá

Ông Cao Thanh Bình (ở giữa) kiểm tra sổ ghi chép xuất xứ hàng hoá

“Đối với ngành thịt heo, có 38 điểm kinh doanh kinh doanh ngoài chợ, các địa điểm này nằm dọc theo các tuyến đường xung quanh chợ, nguồn thịt heo chủ yếu lấy từ các lò giết mổ thủ công, lò giết mổ không rõ nguồn gốc; thịt được sơ chế và bày bán ngay trên sàn nhà, lòng đường; sử dụng nước giếng ngầm chưa qua xử lý…

Đối với ngành hành rau, củ, quả, trái cây có 50 điểm kinh doanh ngoài chợ, hàng hoá không có nguồn gốc rõ ràng, không có sổ ghi chép xuất xứ, không được lấy mẫu kiểm tra định kỳ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Phong thông tin.

Trong khi đó, thương nhân kinh doanh trong chợ phải có đầy đủ giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe theo quy định, tham gia tập huấn kiến thức ATTP, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP…

“Thịt heo trong chợ phải đảm bảo nguồn thịt heo tươi nhập từ các cơ sở giết mổ, nhà máy giết mổ hợp pháp; thịt heo được đeo vòng nhận diện, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm tra của thú y đúng theo quy định…

Rau, củ, quả, trái cây trong chợ đều có nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá rõ ràng; có đầy đủ hoá đơn, chứng từ mua bán; hàng nhập khẩu phải có tem phụ bằng tiếng Việt thể hiện đầy đủ các thông tin… đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm khi nhập khẩu…”, ông Long cho hay.

Thịt heo trong chợ đầu mối được đeo vòng nhận diện, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm tra của thú y đúng theo quy định…

Thịt heo trong chợ đầu mối được đeo vòng nhận diện, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm tra của thú y đúng theo quy định…

Bà N.T.V (SN 1967, ngụ huyện Hóc Môn) – thương nhân ngành hàng thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn chia sẻ: “Với tình hình ra khỏi chợ vài bước chân là có chợ tự phát như vậy, nếu các cơ quan chức năng không khắc phục triệt để, xử lý nghiêm để đòi lại công bằng, bắt buộc chúng tôi phải bỏ chợ để tìm cách khác kinh doanh chứ không thể cạnh tranh nổi”.

Cơ quan quản lý gặp ‘khó’ hay chưa xử lý mạnh tay?

Để đảm bảo sự công bằng cho tiểu thương kinh doanh bên trong chợ, BQL chợ đã đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần kiểm tra chặt chẽ và xử lý mạnh tay hơn với những hộ kinh doanh thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc, rà soát lại giấy phép kinh doanh.

Hàng hoá ở trong chợ đầu mấu đều có nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá rõ ràng; có đầy đủ hoá đơn, chứng từ mua bán

Hàng hoá ở trong chợ đầu mấu đều có nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá rõ ràng; có đầy đủ hoá đơn, chứng từ mua bán

Liên quan đến vấn đề này, bà Huỳnh Thị Xuân Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, hiện nay, có có 126 điểm kinh doanh ngoài chợ. Khi kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận có những nơi lấy nguồn thịt từ chợ đầu mối, hàng đông lạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đoàn kiểm tra đã ban hành xử phạt đối với 1 trường hợp.

Theo bà Mai, huyện đã thành lập tổ công tác xử lý vấn đề trên bằng cách chia làm 3 ca, làm việc 24/24 song quá trình kiểm tra, tổ liên ngành còn gặp khó khăn trong việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối do các cơ sở kinh doanh có nhiều biện pháp đối phó, như: Vắng mặt, chủ yếu là người thuê người hàng nên không nắm giấy tờ để kiểm tra hoặc khi lực lượng chức năng kiểm tra thì cất hàng hóa vào kho lạnh.

“Thời điểm hiện tại, tình hình này vẫn không thuyên giảm. Việc mua bán xung quanh chợ không công bằng đối với thương nhân trong chợ mà còn gây ra hậu quả về an toàn thực phẩm, mất trật tự, ảnh hưởng vệ sinh môi trường, đây là trách nhiệm của địa phương”, bà Mai nói.

Tại buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình đánh giá cao trách nhiệm của Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, ghi nhận sự nỗ lực phối hợp của địa phương với các đơn vị để giải quyết những vướng mắc, bất cập.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng đề nghị UBND huyện Hóc Môn cần tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm tại khu vực bên ngoài chợ đầu mối Hóc Môn.

Cao Ánh

comment Bình luận