Khung năng lực trí tuệ nhân tạo, nền tảng đào dành cho sinh viên

Ngày 23/7 tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức tọa đàm “Xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên”. Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp công nghệ, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu cùng đông đảo chuyên gia, giảng viên và sinh viên.
20:20 | 23/07/2025

Tọa đàm nhằm thảo luận sự cần thiết phải có một khung năng lực về AI cho sinh viên cũng như tiếp thu các ý kiến thảo luận, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học cho Khung năng lực AI dành cho sinh viên do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Tập đoàn Meta phối hợp xây dựng. Chủ đề của tọa đàm đã thu hút sự tham dự, thảo luận của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Thông tin Khoa học Công nghệ Việt Nam; đại diện Tập đoàn Meta; các trường đại học tại Hà Nội và TP.HCM, các viện nghiên cứu. Tọa đàm cũng nhận được sự quan tâm của hơn 20 doanh nghiệp công nghệ, các cơ quan báo chí và nhiều chuyên gia trong nghiên cứu và giảng dạy về AI và sinh viên các trường đại học.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chủ nhiệm Dự án hợp tác giữa USSH và Meta cho biết: “Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng thâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống, tác động mạnh mẽ tới tư duy học thuật, phương thức đào tạo và yêu cầu về kỹ năng của sinh viên. Vì vậy, việc xây dựng một khung năng lực AI là cần thiết, nhằm trang bị cho người học năng lực sử dụng và thích ứng hiệu quả với công nghệ mới”.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu

Khung năng lực trí tuệ nhân tạo được xây dựng dựa trên khảo sát 1.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh; đồng thời tham khảo nhiều khung năng lực quốc tế, có chọn lọc và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam. Khung được chia thành 6 miền năng lực chính: (1) Hiểu biết về AI và dữ liệu; (2) Tư duy phản biện và đánh giá đầu ra AI; (3) Đạo đức và trách nhiệm; (4) Lấy con người làm trung tâm, trí tuệ cảm xúc và tư duy sáng tạo; (5) Ứng dụng AI vào chuyên môn; và (6) Thiết kế, phát triển hệ thống AI.

Mỗi miền năng lực gồm 4 mức độ phát triển: thông thạo – thành thạo – chuyên sâu – làm chủ, phản ánh hành trình học tập của sinh viên từ năm thứ nhất cho tới sau khi tốt nghiệp.

Tại tọa đàm, các đại biểu và chuyên gia giáo dục đã chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện khung năng lực AI dành cho sinh viên.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

GS.TS Nguyễn Quý Thanh (Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN) đề xuất nhóm nghiên cứu có thể tích hợp hệ thống phân bậc Bloom để xác định mục tiêu học tập cho từng cấp độ, đồng thời bổ sung yếu tố “tự học và thích ứng suốt đời” vào khung năng lực.

PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh (Nguyên Hiệu trưởng Luật, ĐHQGHN) đánh giá cao việc khung năng lực nhấn mạnh đạo đức và yếu tố con người, giúp sinh viên các ngành xã hội nhân văn không bị “bỏ lại phía sau” trong dòng chảy chuyển đổi số.

TS Nguyễn Gia Hy (Sáng lập SkillPixel) cho rằng thị trường lao động hiện nay đòi hỏi mọi ứng viên đều cần có hiểu biết và kỹ năng sử dụng AI – kể cả trong các lĩnh vực không chuyên sâu về công nghệ. Do đó, khung năng lực không chỉ là công cụ giảng dạy mà còn là công cụ định hướng nghề nghiệp.

Từ góc độ chuyên môn ngôn ngữ, TS Nguyễn Ngọc Bình (Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV) cho rằng khung năng lực cần cụ thể hơn ở khía cạnh giao tiếp và hợp tác trong môi trường AI, nhất là đối với các ngành học về truyền thông, xã hội.

Trường ĐH KHXH&NV là một trong những cơ sở đào tạo đại học đầu tiên trong cả nước xây dựng Khung năng lực số cho người học, được Bộ GD&ĐT ban hành chính thức trong Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT. Năm 2023–2025, trường đã phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức nhiều lớp đào tạo cho sinh viên, giảng viên về AI, GenAI và năng lực số, tạo tiền đề cho việc triển khai khung năng lực AI hiện nay.

Theo đại diện nhà trường, trong thời gian tới, khung năng lực AI sẽ tiếp tục được lấy ý kiến góp ý từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và sinh viên để hoàn thiện trước khi triển khai áp dụng rộng rãi vào chương trình đào tạo, đặc biệt là các học phần tích hợp AI theo định hướng đầu ra rõ ràng.

Tọa đàm “Xây dựng Khung năng lực trí tuệ nhân tạo dành cho sinh viên” không chỉ góp phần định hình lộ trình đổi mới giáo dục đại học trong kỷ nguyên số, mà còn cho thấy vai trò chủ động của các trường đại học – đặc biệt là Trường ĐH KHXH&NV – trong việc bắt nhịp với công nghệ, bảo đảm yếu tố nhân văn trong đào tạo, hướng đến mục tiêu “Công nghệ vì con người – Con người làm chủ công nghệ”.

Thanh Tùng

comment Bình luận