TP. HCM vững vàng trong “cơn lốc” ngộ độc thực phẩm

Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Mặc dù số vụ ngộ độc thực phẩm giảm so với cùng kỳ năm 2023 (40 vụ) nhưng số người mắc có quy mô lớn với hàng trăm người cùng lúc.
16:16 | 23/07/2024

Ngộ độc nối tiếp ngộ độc

Sóc Trăng là địa phương “mở hàng” cho đợt ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc trong năm 2024.

Ngày 24/1, đông người tập trung mua bánh mì patê, chà bông, chả lụa, dưa leo… tại một cơ sở trên địa bàn. Sau khi ăn, khoảng 160 mgười có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, sốt… nên đưa vào bệnh viện.

Kết quả xét nghiệm cho thấy vi khuẩn Salmonella có trong thịt nguội là nguyên nhân gây ra ngộ độc.

Kế tiếp, ngày 13/3, hơn 360 người được đưa vào các bệnh viện ở tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng nôn, buồn nôn, sốt, đau bụng… sau khi dùng cơm gà tại một tiệm ăn trên địa bàn.

Kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm, nước, bệnh phẩm… do Viện Pasteur Nha Trang (Bộ Y tế) thực hiện cho thấy vi khuẩn Salmonella và Bacillus hiện diện trong cơm gà chan sốt trứng, gà xé. Chưa hết, vi khuẩn Staphylococcus aureus còn có trong mẫu gà xé. Ngoài ra, vi khuẩn Bacillus cereus và Escherichia coli có trong mẫu rau dưa chua.

Cuối tháng 4/2024, một vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại Đồng Nai khiến hơn 500 người mắc sau khi ăn bánh mì của một cơ sở trên địa bàn.

Cơ quan chức năng lấy 29 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và ghi nhận 16 mẫu cùng lúc dương tính 2 vi khuẩn Salmonella và E.coli, 9 mẫu đương tính vi khuẩn E.coli.

Chưa hết, kết quả xét nghiệm các mẫu lấy tại cơ sở bánh mì cho thấy patê, chả lụa, dưa muối chua, thịt heo đã chế biến “dính” vi khuẩn Salmonella.

Đến ngày 14/5, một vụ ngộ độc tập thể lại xảy ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều tra cho thấy sau khi dùng cơm trưa tại bếp ăn của một doanh nghiệp trên địa bàn gồm các món gà, canh, dưa muối…, hơn 350 công nhân phải nhập viện với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn…

Ngay sau đó, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế Vĩnh Phúc đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn của doanh nghiệp này.

Kết quả xét nghiệm ghi nhận nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Bacillus cereus có trong các mẫu thức ăn.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở ATTP TP. HCM, đang kiểm tra hoạt động kinh doanh thịt heo (Ảnh: TRẦN NGỌC)

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở ATTP TP. HCM, đang kiểm tra hoạt động kinh doanh thịt heo (Ảnh: TRẦN NGỌC)

Nhiều biện pháp “chặn” ngộ độc thực phẩm của TP. HCM

Trước tình trạng ngộ độc thực phẩm xuất hiện tại nhiều địa phương với số lượng hàng trăm người mắc cùng lúc trong những tháng đầu năm 2024, Sở ATTP TP. HCM triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để hạn chế mức thấp nhất nguy cơ xảy ra. Tuy nhiên, với số dân quá đông trên dưới 10 triệu người, cộng thêm lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến mỗi ngày nên TP. HCM khó tránh khỏi tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Theo báo cáo của Sở ATTP TP. HCM, trong 6 tháng đầu năm 2024, TP xảy ra 4 vụ liên quan sự cố về ATTP. Trong đó, 2 vụ chưa đủ cơ sở kết luận ngộ độc thực phẩm (Trường Tiểu học Nguyễn Hiền ở TP. Thủ Đức và Trường Tiểu học Kim Đồng ở quận 7), 2 vụ đang chờ kết luận từ UBND quận Bình Tân và TP. Thủ Đức. Điều đáng nói số lượng người mắc ngộ độc thực phẩm cùng lúc không nhiều.

Xác định công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm là một trong những hoạt động góp phần hạn chế ngộ độc thực phẩm nên Sở ATTP TP. HCM liên tục thực hiện công tác này.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, TP. HCM thanh tra, kiểm tra 40.418 cơ sở và đã phát hiện 1.152 cơ sở vi phạm. TP. HCM xử phạt 407 cơ sở, phạt tiền 350 cơ sở với tổng số tiền gần 3 tỉ đồng. TP. HCM cũng đã tịch thu và tiêu hủy nhiều hàng hóa, thực phẩm không bảo đảm ATTP như bánh, kẹo, rượu, bia, đường, thực phẩm chức năng, các sản phẩm thực phẩm từ động vật… Ngoài ra, TP. HCM còn đình chỉ 3 cơ sở và chuyển cơ quan điều tra 1 cơ sở vi phạm ATTP.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở ATTP TP. HCM, cho biết với mục tiêu “Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên địa bàn”, TP. HCM triển khai quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động cải cách hành chính, tăng cường tuyên truyền - giáo dục, hướng dẫn các thông tin về thực phẩm an toàn.

“Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, đề án, chương trình đảm bảo ATTP trên địa bàn như “Chuỗi thực phẩm an toàn”, “Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm”, “Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP”; Song song đó, triển khai công tác giám sát lấy mẫu; công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ và rộng khắp nhằm kiểm soát, đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng”, bà Phong Lan nói.

TP. HCM “cầu cứu” Quốc hội và Chính phủ

Các nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực ATTP hiện nay không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh tại Sở ATTP TP. HCM. Lý do, các nghị định được ban hành và có hiệu lực trước khi Quốc hội thông qua đề xuất thành lập Sở ATTP TP. HCM tại Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Tính đến thời điểm hiện nay, Sở ATTP (cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. HCM) là tổ chức hành chính đặc thù riêng của TP. HCM được Quốc hội cho phép thành lập. Do đó, để đảm bảo chặt chẽ tính pháp lý trong quá trình thực thi công vụ, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ cập nhật, bổ sung Sở ATTP TP. HCM vào các văn bản quy phạm hiện hành (các nghị định quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP cho Sở ATTP).

PGS.TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM.

Trần Ngọc

comment Bình luận