Thừa Thiên Huế: Chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, sạt lở

Ngày 15/11, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã có công điện khẩn số 07/CĐ-PCTT về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
15:30 | 15/11/2023

Từ ngày 13/11 - 15/11 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to và mưa rất to, riêng huyện Nam Đông và một số nơi của huyện Phú Lộc có mưa đặc biệt to, với lượng mưa phổ biến 500 - 800 mm, có nơi cao hơn như xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông 985 mm; xã Hương Sơn, huyện Nam Đông 971 mm; thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông 943 mm.

Mực nước lúc 9h ngày 15/11 trên sông Hương tại trạm Kim Long là 4,24 m trên báo động III là 0,74 m, trên sông Bồ tại trạm Phú Ốc là 4,47 m, dưới báo động III là 0,03 m. Dự báo từ ngày 15/11 - 17/11 tiếp tục có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông. Tổng lượng mưa phổ biến 150 – 300 mm, có nơi trên 500 mm.

Theo nội dung từ công điện, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các đơn vị Trung ương trên địa bàn, chủ các hồ đập thủy điện, thủy lợi, chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP. Huế chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Công điện số 1034/CĐ-TTg ngày 31/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Công điện số 17/CĐ-QG ngày 12/11/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Công điện số 05/CĐ-PCTT ngày 13/11/2023, Công điện số 06/CĐ-PCTT ngày 14/11/2023, Công điện số 07/CĐ-PCTT ngày 15/11/2023  của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa lớn kéo dài (ảnh minh họa)

Tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa lớn kéo dài (ảnh minh họa)

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP. Huế triển khai sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng, ngập lụt sâu, chia cắt; các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu, học sinh, sinh viên ở trọ,…). Chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, phục vụ nhân dân tại các vùng nguy cơ cô lập, chia cắt dài ngày do ngập sâu, sạt lở đất. Bố trí lực lượng kiểm soát, rào chắn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người,... Thường xuyên báo cáo tình hình triển khai ứng phó mưa lũ về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

Các sở, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ phải đảm bảo triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Sở Công Thương kiểm tra việc dự trữ tại các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng để phục vụ nhân dân trong mọi tình huống thiên tai, bão lũ, sạt lở, chia cắt, cô lập. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế tăng cường tuyên truyền, quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên phòng tránh các tại nạn có thể xảy ra. Công ty điện lực Thừa Thiên Huế đảm bảo an toàn lưới điện trên địa bàn khi có mưa lũ; đảm bảo nguồn điện, ưu tiên cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, dự báo, cảnh báo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cơ sở y tế, bệnh viện, nhà máy cấp nước sinh hoạt,…

Ngọc Nguyễn

comment Bình luận