Quảng Nam: Tập trung ứng phó mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển

Ngày 13/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN; các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; đài khí tượng thủy văn Quảng Nam; các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện về việc ứng phó mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển.
17:50 | 13/11/2023

Theo bản tin của đài khí tượng thủy văn Quảng Nam, từ ngày 13/11 đến 15/11, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ ngày 15/11 đến ngày 17/11 các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 – 300 mm, có nơi trên 400 mm; mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.

Từ ngày 13/11 đến 18/11, các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ; đỉnh lũ trên các sông cụ thể như trên sông Vu Gia ở mức báo động 2 (BĐ) đến BĐ 3; trên sông Thu Bồn ở mức BĐ2 đến trên BĐ2; trên sông Tam Kỳ ở mức BĐ2 đến trên BĐ 2.

Để tập trung ứng phó đảm bảo kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn của nhân dân là trên hết.

Quảng Nam tập trung ứng phó mưa lũ và thời tiết nguy hiểm (ảnh minh họa)

Quảng Nam tập trung ứng phó mưa lũ và thời tiết nguy hiểm (ảnh minh họa)

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn về diễn biến gió mùa Đông Bắc, tin cảnh báo mưa lớn, tin cảnh báo lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh. Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; thu hoạch sớm sản phẩm đến kỳ thu hoạch, đặc biệt là đối với nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt và khu vực ven biển; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu dân cư, trường học, trụ sở để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển được biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp để đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Kiểm đếm phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển. Chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tài sản của Nhân dân vùng ven biển, trên biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thiên tai để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục; thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Ngọc Nguyễn

comment Bình luận