Tầm soát ung thư là nâng cao chất lượng cuộc sống

Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc tăng sinh tế bào một cách mất kiểm soát, những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến những bộ phận khác trong cơ thể.
18:38 | 15/02/2024

15 bộ phận trên cơ thể có nguy cơ ung thư cao là gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, thực quản, vú, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, buồng trứng, tuyến tụy, thận, bàng quang, vòm họng, tuyến giáp, hạch. Nguồn gốc của quá trình phát sinh khối u là từ các đột biến gen, có hai loại đột biến thường gặp là đột biến gen di truyền và đột biến gen mắc phải. Thừa hưởng đột biến gen ung thư di truyền từ bố hoặc mẹ là yếu tố không thể thay đổi được, còn đột biến gen mắc phải đa phần xuất phát do cơ thể tiếp xúc với các tác nhân sinh ung thư từ môi trường hay lối sống.

Các biểu hiện mắc bệnh thay đổi phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan phát sinh ung thư. Tuy nhiên, phần lớn bệnh lý ác tính này đều tiến triển âm thầm. Người bệnh thường đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị rất khó khăn và kém hiệu quả.

Tầm soát ung thư là nâng cao chất lượng cuộc sống (ảnh minh họa)

Tầm soát ung thư là nâng cao chất lượng cuộc sống (ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo ung thư có thể có một số dấu hiệu sau: Thay đổi thói quen đại tiểu tiện, ví dụ tiểu nhiều lần, tiểu máu, rối loạn phân như tiêu chảy kèm táo bón xen kẽ, phân có nhầy máu; vết loét lâu lành hoặc đau nhức mạn tính, dai dẳng không rõ nguyên nhân; chảy máu hoặc tiết dịch bất thường từ mũi, miệng, đường tiêu hóa, sinh dục hay tiết niệu; u cục bất thường ở vú hay bất kỳ vị trí nào trên cơ thể; khó tiêu hoặc khó nuốt; thay đổi rõ ràng ở mụn cơm hoặc nốt ruồi về kích thước, màu sắc, hình dạng, độ dày; ho dai dẳng hoặc khàn giọng.

Trường hợp ung thư giai đoạn cuối, bệnh nhân còn xuất hiện thêm các triệu chứng nghiêm trọng hơn như suy dinh dưỡng, gầy yếu; khó khăn trong vận động; có thể ngủ li bì, khó tự thức dậy; sốt cao; đại, tiểu tiện không tự chủ; tinh thần bất ổn, cảm giác thờ ơ, không muốn gặp gỡ ai hoặc có lúc lo âu, có lúc giận dữ, có lúc lại sợ phải ở một mình; không thể ăn qua đường miệng; lú lẫn vào những ngày cuối đời; hơi thở yếu, thở hụt hơi. Ngoài ra, khi ung thư tiến triển gây nhiều triệu chứng tại chỗ và nhiều biến chứng tại vị trí u di căn, không chỉ vậy, ung thư còn có các tác động lên toàn thân. Các biến chứng có thể khác nhau tùy vào loại ung thư và tùy vào vị trí của khối u, giai đoạn của bệnh và phương pháp điều trị.

Tầm soát ung thư là một trong những cách giúp phát hiện sớm các sang thương tiền ung thư hoặc ung thư để có kế hoạch theo dõi và hướng điều trị kịp thời, tăng hiệu quả, giảm chi phí và giảm tỷ lệ tử vong. Nên bắt đầu tầm soát ung thư từ những người khỏe mạnh, chưa có triệu chứng bệnh, đặc biệt trên nhóm đối tượng nguy cơ cao như có tiền sử gia đình mắc ung thư di truyền, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, bệnh nền nguy cơ cao hoặc liên quan đến nhóm tuổi nhất định. Nên khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến một năm để theo dõi sức khỏe.

Hiện nay, ung thư ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Do đó, không chỉ người trung niên, cao tuổi mà cả những người trẻ cũng nên chú ý đến sức khỏe bản thân đề phòng căn bệnh nguy hiểm này.  Đặc biệt, tầm soát ung thư giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, can thiệp điều trị hiệu quả khi ung thư mới khởi phát là giảm gánh nặng chi phí và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

YS Nguyễn Minh Thời

comment Bình luận