Suýt đoạn chi vì huyết khối tĩnh mạch chậu – đùi cấp

Một phụ nữ 61 tuổi suýt bị cắt bỏ chân trái do huyết khối gây tắc tĩnh mạch chậu – đùi cấp.
16:30 | 01/05/2025

Bệnh nhân là bà M.T.L, ngụ tại Long An, bất ngờ cảm thấy đau nhức dữ dội ở chân trái trong lúc đứng chờ mua thuốc giảm đau gần nhà. Chân sưng to nhanh chóng, tím tái và không còn khả năng vận động. Gia đình lập tức đưa bà đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM).

Tại đây, kết quả chụp CT có thuốc cản quang cho thấy bà L. bị tắc nghẽn cấp tính tĩnh mạch chậu – đùi trái, đe dọa hoại tử chi nếu không được xử lý kịp thời. Ngay lập tức, một cuộc hội chẩn liên khoa được kích hoạt khẩn cấp, với sự tham gia của các bác sĩ từ Khoa Cấp cứu, Khoa Phẫu thuật Tim Mạch Lồng Ngực, Khoa Nội Tim Mạch và Đơn vị Can thiệp Mạch.

BS.CKI Trần Nam Cao, Đơn vị Can thiệp Mạch (Khoa Chẩn đoán Hình ảnh), cho biết bệnh nhân mắc hội chứng May-Thurner – một tình trạng hiếm gặp khi động mạch chậu phải chèn ép tĩnh mạch chậu trái, gây ứ trệ tuần hoàn và hình thành huyết khối. "Với tình trạng này, thuốc kháng đông thông thường không đủ để xử lý dứt điểm và bệnh dễ tái phát. Giải pháp tối ưu là can thiệp nội mạch để tái thông dòng máu", bác sĩ Cao nói.

Ca can thiệp kéo dài khoảng 2 giờ, trải qua ba bước: tiêm thuốc tiêu sợi huyết tại chỗ để làm mềm cục máu đông, hút sạch huyết khối và đặt stent để nong rộng, tái thông hoàn toàn đoạn tĩnh mạch bị chèn ép. Phương pháp này ít xâm lấn, khả năng tái phát thấp.

Sau can thiệp, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng. Sau 3 ngày điều trị, chân trái trở lại kích thước bình thường, hết sưng đau và bà đã có thể đi lại như trước.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ Cao cho biết thêm, hội chứng May-Thurner là tình trạng động mạch chậu phải chèn ép tĩnh mạch chậu – đùi trái, gây cản trở dòng máu từ chân trở về tim. Sự chèn ép này dễ hình thành huyết khối, dẫn đến tắc tĩnh mạch vùng chậu – đùi, một biến chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm.

Không phải là bệnh di truyền, hội chứng May-Thurner có thể gặp ở bất kỳ ai, đặc biệt phổ biến ở phụ nữ trên 25 tuổi, người ngồi hoặc đứng lâu, sử dụng thuốc tránh thai, mắc bệnh lý tăng đông máu hoặc suy giãn tĩnh mạch.

Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, huyết khối có thể vỡ ra, trôi theo dòng máu lên phổi, gây thuyên tắc phổi – một tình trạng nguy kịch có thể đe dọa tính mạng. Ngoài ra, tình trạng huyết khối ở tĩnh mạch chậu – đùi có tỷ lệ tái phát cao, gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh.

Người bệnh có thể nhận biết tình trạng tắc tĩnh mạch chi dưới do huyết khối qua các triệu chứng: chân nặng, đau nhức, sưng phù bất thường, da tím tái, giãn tĩnh mạch, thậm chí loét da.

“Khi có các dấu hiệu kể trên, cần đi khám sớm để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, tránh bỏ qua "thời điểm vàng" trong điều trị và phòng ngừa biến chứng nghiêm trọng”, bác sĩ Cao khuyến cáo.

Tú Uyên

comment Bình luận